Đi lên từ 2 bàn tay trắng, người nông dân chân chất dám nghĩ dám làm Đinh Văn Việt (sinh năm 1974, xóm Nội, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã trở thành tỷ phú nhờ vào việc áp dụng thành công kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai nước ngọt.

Hơn 3.000 hécta mặt nước để nuôi ngọc trai, mỗi năm gia đình ông Việt đạt mức thu nhập khoảng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ đồng. Hiện tại, ông đang tiếp tục triển khai chuỗi cửa hàng, tạo ra làng nghề phục vụ và biểu diễn quy trình kỹ thuật cho khách du lịch. Mục tiêu lâu dài đó là xuất khẩu tại chỗ và bán ra nước ngoài.
Thành công đến từ “đam mê”
Trước đây, việc mua được viên ngọc trai cũng không dễ dàng, có khi người dân phải ra tận Phú Quốc thì mới mua được ngọc có chất lượng tốt. Vì thế ông Việt luôn luôn ấp ủ ước mơ có thể nuôi trai lấy ngọc trên đất liền. Trong một lần tình cờ ông được tham gia chương trình thử nghiệm của phái đoàn Nhật về thí nghiệm nuôi cấy trai lấy ngọc ở Hạ Long, ông may mắn là một trong số ít người biết tiếng Nhật nên đã được đào tạo chuyên sâu về nuôi cấy ngọc trai theo phương pháp Nhật Bản.
Năm 2004, ông Việt thành lập doanh nghiệp riêng ở Hạ Long, đến năm 2010 ông chuyển vào Huế, thế nhưng cả 2 địa điểm này đều không thuận lợi cho việc nuôi cấy ngọc trai nước ngọt và hầu như không thu được lợi nhuận. Nhưng có lẽ cái duyên nợ của ông với ngọc trai vẫn chưa dứt. Năm 2012, ông trở về Ninh Bình. Trong lúc đi bộ dọc đê sông Đáy, ông thấy bà con bán trai lấy ruột, còn vỏ thì bỏ đi. Ông thấy phí quá và lúc này “đam mê” của ông lại trỗi dậy, ông quyết định mua 1 tấn trai để cấy ghép.
ông Đinh Văn Việt tự hào nâng niu sản phẩm ngọc trai của mình. Ảnh Lê Loan
ông Đinh Văn Việt tự hào nâng niu sản phẩm ngọc trai của mình. Ảnh Lê Loan
Một động lực tiếp nữa, đó là ông đã tìm ra được 4 loài trai nước ngọt ở Ninh Bình bao gồm: Trai xanh cánh mỏng (Cristaria bialata Lea), trai đen cánh dày (Hyriopsis cumingii Lea), trai cóc và trai bùn. Ông sử dụng 2 đối tượng là trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày để cấy ghép nhân, trai cóc được sử dụng để cấy nhân tròn, còn đối với trai bùn dùng để lai ghép mô tế bào. Từ 1 tấn trai thu mua của người dân và nhân cấy được mua từ Công ty cổ phần ngọc trai Việt Nam, ông Việt đã tiến hành triển khai cấy ghép ngọc trai dựa trên phương pháp chủ yếu là ghép nhân và mô tế bào vào màng áo của trai cấy. Ngoài ra, để tạo sự phong phú và đa dạng thêm về hình dáng sản phẩm, ông Việt đã triển khai thử nghiệm với phương pháp cấy phôi.
Năm 2013, khi bắt đầu thấy có tín hiệu tốt từ sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, ông Việt đã đề xuất với UBND xã Khánh Lợi và trình lên Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đề nghị được cấp đề tài. Sau 2 năm triển khai, hiện nay doanh nghiệp của ông Việt đang kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện đề tài nghiên cứu.
Hướng đi mới cho ngọc trai Ninh Bình
Theo ông Đinh Xuân Trường - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình: “Đề tài quy trình nuôi cấy ngọc trai nước ngọt được thực hiện trong hai năm 2014 – 2015, bước đầu chúng tôi đánh giá cao đề tài này, trước tiên là trai cấy thích nghi rất tốt với điều kiện tự nhiên của Ninh Bình. Qua quá trình theo dõi tốc độ phát triển ngọc trai và chất lượng ngọc trai cũng cho kết quả khả quan. Chúng tôi rất ủng hộ việc nuôi ngọc trai mở rộng.
Tới đây, nếu công trình nghiên cứu thành công, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm và đề nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào dự án nông thôn, miền núi”.
Thêm một tín hiệu đáng mừng cho sản phẩm ngọc trai, đó là vào tháng 2/2014 ông Việt đã thông qua ông Inoue Haru Hiro gửi mẫu ngọc sang Công ty Inoue Hanzu (Nhật Bản) để phân tích, kiểm định về chất lượng và được các chuyên gia Nhật đánh giá cao thông qua 5 tiêu chí về độ dày, hình dạng, màu sắc, độ bóng và độ sáng. Một số đối tác của Nhật cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức và các điều kiện về vật chất để doanh nghiệp phát triển được.
Ông Việt đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình mong muốn ứng dụng nghiên cứu - trước mắt đối với tỉnh Ninh Bình, biến ngành nuôi cấy trai ngọc là ngành có lợi nhuận lớn nhất trong toàn bộ ngành nuôi trồng thủy sản. Những định hướng dài hạn cho nghề nuôi cấy trai ngọc ở Ninh Bình trong thời gian tiếp theo đã được triển khai và tiếp tục hoàn thiện.
Dự định đến năm 2016, sau khi quy trình kỹ thuật hoàn thiện doanh nghiệp sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho người dân. Phương thức chuyển giao chính là tham quan mô hình, chuyển giao kỹ thuật. Hình thức chuyển giao là đào tạo tập huấn cầm tay chỉ việc trong nuôi cấy ngọc. Xây dựng một mô hình hợp tác khép kín, doanh nghiệp cung cấp nhân cấy, dụng cụ liên quan đến quá trình sản xuất còn người dân đảm bảo về ao, hồ và trai cấy.
Sản phẩm ngọc trai được đưa ra thị trường thông qua các hội chợ, truyền thông đại chúng, kết hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Ninh Bình để tạo ra một đặc trưng về du lịch ở Ninh Bình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang hướng đến một kế hoạch sản xuất ngọc trai thuần Việt, do ở thời điểm hiện tại nhân cấy vẫn đang phải nhập với giá khá cao.
Xu hướng là thị trường trong nước tiêu thụ sản phẩm, đối với những sản phẩm đắt tiền hơn sẽ được xuất khẩu đi nước ngoài và khai thác tối đa ưu thế của thị trường nội địa.