Muối Bạc Liêu đã có lịch sử lâu đời, được người dân nơi đây sản xuất từ hơn 100 năm trước, sản phẩm đã đi vào thơ ca dân gian, được thể hiện tại cuốn sách Bạc Liêu xưa của tác giả Huỳnh Minh, hay tác phẩm “Những quái nhân” của nhà công tử Bạc Liêu.

Vào đầu thế kỷ XVIII, Bạc Liêu còn là hoang địa. Những người đến ở vùng này trước nhất là người Miên từ Sóc Trăng và Trà Vinh qua, với những người Tàu gốc Triều Châu tới lập cơ sở đánh cá và trồng tỉa hoa màu trên những đồi cát dọc theo bờ nam Hải. Lại cũng có một số ít Hoa kiều thử làm ruộng muối.

Những người đi tiên phong khai phá đất hoang rừng ngập mặn ven biển để sản xuất muối ăn có lẽ là Hoa kiều, với kỹ thuật phơi nước biển theo các cấp “xa kề, nhì kề, xếp chuối” để kết tinh được hạt muối từ nước biển mà đến nay người dân vẫn tiếp tục lưu truyền một phương cách sản xuất vừa cổ truyền nhưng lại rất khoa học này.

Thời thuộc Pháp và Mỹ, muối Bạc Liêu được thâu tóm trong tay nhiều điền chủ sản xuất kinh doanh muối rất nổi tiếng, chiếm cứ ở dọc tả ngạn và hữu ngạn con sông Bạc Liêu, mà đến nay vẫn còn hiện diện các công trình nhà ở kiến trúc kiểu Pháp, trong đó có cả các dinh thự to lớn rất nổi tiếng của công tử Bạc Liêu cũng là một ông chủ kinh doanh muối ở Bạc Liêu.

Sản phẩm muối Bạc Liêu được bày bán ở rất nhiều địa điểm trong cả nước.
Sản phẩm muối Bạc Liêu được bày bán ở rất nhiều địa điểm trong cả nước. Ảnh: Muoibaclieu.

Người kinh doanh muối trước kia còn lưu truyền một kinh nghiệm quý đó là: năm nào nước nổi lụt lớn ở ĐBSCL là năm đó trúng giá muối Bạc Liêu, buôn bán muối làm ăn phát đạt, do mua muối để ướp cá Linh sông Mê Kông và dân Campuchia ăn muối nhiều. Hạt muối này đã gắn liền danh tiếng của cá Linh và mùa nước nổi ở Nam Bộ.

Nghiên cứu về muối Bạc Liêu các nhà khoa học trước đây đã chỉ ra các nét đặc thù rất thú vị gắn liền với nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Muối được sản xuất ở Bạc Liêu có một hương vị đậm đà, dịu ngọt rất độc đáo vì trong muối có hàm lượng Magiê, Canxi, Sunfat... rất thấp do không có các vùng đá vôi ven biển, không gây vị đắng khó chịu, đã làm muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay khi sử dụng trong sản xuất nước mắm, nước tương và chế biến thực phẩm.

Hoạt động kinh doanh muối Bạc Liêu rất rộng lớn chiếm cứ toàn vùng Nam Bộ, ra tới tận Phan Thiết miền Trung và đặc biệt giao lưu xuất khẩu theo đường sông Mê Kông qua Campuchia để ướp muối cá Linh vào mùa nước nổi hàng năm tràn đến. Hạt muối Bạc Liêu đã gắn liền danh tiếng của cá Linh và mùa nước nổi ở Nam Bộ.

Người Nhật đã nhận ra hương vị độc đáo của muối Bạc Liêu nên năm 2002 Công ty chuyên kinh doanh hàng thực phẩm Asia Trading Corp. đã cử các chuyên gia tìm đến khảo sát thực tế để đánh giá chất lượng muối Bạc Liêu phục vụ cho tiêu dùng và đời sống. Trong năm 2002, hơn 5.000 tấn muối tinh của Bạc Liêu đã được Asia Trading Corp chính thức mua, đưa về Nhật chế biến bán làm muối ăn. Đầu năm 2003, số lượng ký kết đã tăng lên hơn 10.000 tấn. Hạt muối Bạc Liêu đã có mặt trên các siêu thị Nhật, nhất là tại tỉnh Nagoya – nơi Asia Trading Corp đặt hội sở chính.