Phương pháp sấy thuốc lá truyền thống, nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phải tiêu hao một lượng lớn nhiên liệu, song chất lượng thành phẩm lại phụ thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm của người sấy. Với việc cải tiến kỹ thuật trong quá trình sấy nông dân thu thành phẩm có chất lượng tốt, nhiên liêu tiêu hao được hạn chế.
Để sấy được 1kg thuốc lá khô, nông dân phải tiêu hao từ 5,5 - 6kg than hoặc 10 - 12kg củi. Cùng với đó, quá trình sấy không đơn thuần là làm giảm bớt lượng nước trong lá thuốc mà nó còn là quá trình lên men sinh học giúp đảm bảo chất lượng của lá thuốc. Các lò sấy truyền thống sử dụng nguyên lý trao đổi nhiệt và ẩm. Không khí bên ngoài vào cửa hút gió được gia nhiệt bằng hệ thống ống tỏa, nhiệt trên sàn lò sấy và bốc hơi lên cao. Hơi nóng đi qua khối lá thuốc sẽ trao đổi và thu ẩm từ bề mặt lá và thoát ra ngoài qua cửa thoát đỉnh. Thiết kế lò sấy như vậy đòi hỏi người sấy phải có nhiều kinh nghiệm, đóng, mở của hút khí, thoát khí hợp lý để khí nóng di chuyển đều trong lò. Nhược điểm của kiểu lò này là lượng nhiệt tổn thất cao, chênh lệch giữa các tầng từ 6 - 11oC điều đó dẫn đến chất lượng thành phẩm không đồng đều.
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng lá thuốc thành phẩm, giảm tiêu hao nhiên liệu nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Văn Biếu, Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp làm trưởng nhóm đã triển khai đề tài “Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật sấy thuốc lá sử dụng hồi lưu khí thải nhằm tiết kiệm nhiên liệu sấy và tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất thuốc lá tại tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai và thử nghiệm trên địa bàn 3 huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn từ năm 2015 đến 2018 với 13 hộ sản xuất thuốc lá tham gia.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tận dụng hơi nóng bốc ra từ cửa thoát đỉnh làm nóng không khí trước khi đưa vào lò. Theo đó, nhóm đã tạo ra thiết bị thu nhiệt từ đỉnh lò, thổi xuống bầu tỏa nhiệt và bầu đại hỏa. Lắp đặt quạt cách bầu đại hỏa 1m sát với cửa thu khí tươi (không khí bên ngoài lò sấy). Lượng khí nóng từ đỉnh lò thải ra kết hợp với khí tươi bên ngoài vào sẽ làm giảm độ ẩm bão hòa. Như vậy, người sấy không phải tốn thêm nhiên liệu mà lượng khí nóng được phân bố đều trong lò. Từ đó, làm cho các khối lá thuốc nhận được lượng hơi nóng như nhau. Nhóm nghiên cứu cũng hướng dẫn nông dân lắp đặt bổ sung nhiệt kế, ẩm kế để chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong lò.
Ông Phùng Văn Phượng, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: kết hợp thiết bị cải tiến với lò sấy truyền thống không ảnh hưởng nhiều đến quy trình, thời gian sấy mà việc sấy lá thuốc lại dễ dàng hơn. Trước đây phải mất 1 - 2 ngày mới có thể nâng nhiệt độ trong lò từ mức bình thường lên đại hỏa thì nay chỉ mất một nửa thời gian.
So sánh giữa lò cải tiến và lò sấy truyền thống cho thấy, lò sấy cải tiến tiết kiệm 957kg than/vụ sấy (7 lần sấy) tương đương 30% nhiên liệu tiêu hao. Không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, thành phẩm tạo ra cũng vàng đều, đảm bảo các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, do đó, thu nhập mỗi mẻ sấy cao hơn 1 triệu đồng, nếu tính cả vụ thì còn cao hơn.
Theo số liệu thống kê, năm 2018 toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 2.400 ha canh tác cây thuốc lá với sản lượng trên 5.200 tấn. Với chi phí khoảng 1 triệu đồng, nông dân có thể cải tiến lò sấy thuốc lá của gia đình. Việc cải tiến lò sấy thuốc không chỉ tận dụng nguồn khí nóng thải ra mà còn làm giảm đáng kể nhiên liệu sấy, tăng chất lượng sản phẩm, từ đó, nâng cao thu nhập cho người trồng thuốc lá. Cách làm này có thể áp dụng rộng rãi tại các xã chuyên canh cây trồng này.
(Sở KH&CN Lạng Sơn)