Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước tổ chức họp xét chọn thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài chuối chân voi tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước”. Đề tài do KS Khương Hữu Thắng - Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập làm chủ nhiệm.


Báo cáo tại cuộc họp, KS Khương Hữu Thắng cho biết: Chuối chân voi có tên khoa học là Ensete glaucum (Roxb.) hay còn được gọi với những tên khác như: "chuối Cô đơn, chuối Mồ côi, chuối Bạc hà ...”, bởi vì hình thái cũng như đặc điểm sinh thái học của loài chuối này rất đặc biệt, phần gốc phình to (ngoại cỡ) như chân Voi; mọc đơn côi duy nhất một cây/bụi và không phân nhánh đẻ cây con, hoa chuối ăn có vị mát dịu của tinh chất bạc hà..., có lẻ là do đặc điểm như vậy nên nó mới có tên gọi lạ lùng như trên. Đây là loài thực vật ngoài chức năng về đa dạng môi trường sinh thái thì còn được sử dụng làm dược liệu, có tác dụng trong y học dân gian điều trị một số bệnh như tiêu hoá, sỏi thận, sưng tay chân, phù thủng, viêm loét dạ dày, trị dị ứng da và một số bệnh nhiễm giun, sán ở trẻ em. Do đây là loài thực vật sống độc lập, chỉ tái sinh duy nhất bằng nảy mầm, phân bố không phổ biến, lại có tác dụng y học nên bị người dân khai thác cạn kiệt cần được bảo tồn, phát triển.

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, những nghiên cứu về chuối chân voi trước đây chỉ dừng lại ở góc độ ghi nhận và mô tả loài, chưa có nghiên cứu nhân giống. Vì vậy, việc thực hiện nghiên cứu đề tài nhằm đánh giá trữ lượng chuối chân voi tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cũng như tình hình phân bố của loài; xác định một số yếu tố sinh thái ngoài tự nhiên, sự tương tác trong quần thể sinh vật… để lựa chọn khu vực nuôi trồng thích hợp và tìm hiểu tiềm năng kinh tế.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, chủ nhiệm đề tài phải xác định được 2 vấn đề quan trọng là giá trị về mặt y dược học và giá trị kinh tế để tăng tính thuyết phục của đề tài.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp đồng chí Hà Anh Dũng, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở KH&CN, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng KH&CN tỉnh, đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài cần ghi nhận các ý kiến đóng góp của của các thành viên dự họp, nhất là ý kiến của hai phản biện trên tinh thần hết sức cầu thị, tiếp thu và chỉnh sửa đề cương theo ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng. Về nội dung nghiên cứu của đề tài Ông Dũng cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài cần tập trung 4 nội dung lớn là: Sơ đồ phân bố của Chuối chân voi; báo cáo điều tra; có mô hình trồng (trồng dưới tán rừng, trồng thuần hay trồng xen trong vườn điều); đưa ra được quy trình kỹ thuật nhân giống - vì đây là đề tài bảo tồn nguồn zen do UBND tỉnh đặt hàng. Trong quá trình trồng cũng cần có mô hình để so sánh xem cây có tồn tại độc lập được không. Cần có sổ tay quy trình để lưu lại quá trình nghiên cứu, nên tham khảo các công trình nghiên cứu về chuối chân voi ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để nghiên cứu đưa ra được điểm đặt thù của chuối chân voi Bình Phước.

Sau khi thảo luận và đóng góp ý kiến cho Ban chủ nhiệm đề tài, các thành viên Hội đồng KH&CN tỉnh đã bỏ phiếu thống nhất thông qua với số điểm 74,14/100 điểm.