Rau thuỷ canh siêu sạch
Không còn là một viên chức ngồi trên bàn làm việc với giấy tờ, Đức của hiện tại “lùi xùi” như một nông dân chính hiệu. Trưa nắng, trong khu nhà kính rộng 1.500 m2, thạc sỹ trẻ vẫn cặm cụi bắt sâu trên các giàn rau xà lách thuỷ canh lên xanh mơn mởn. “Ngày nào cũng trực chiến từ sáng đến tối mới về, hết việc này đến việc khác. So với việc công sở, làm vườn vất vả hơn nhiều nhưng bù lại mình được làm theo ý thích của bản thân” – Đức chia sẻ.
Là “tay ngang” rẽ sang làm nông, Đức hầu như không có kinh nghiệm gì về trồng rau thuỷ canh hay làm vườn. Tuy nhiên, thời gian vài năm làm việc tại cơ quan cũ đã giúp Đức tiếp xúc được những mô hình, đề tài nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là mô hình trồng rau thuỷ canh đang phát triển mạnh tại thành phố Đà Lạt như hiện nay. Tiếp xúc rồi mê. Thạc sỹ trẻ tìm tòi và học hỏi thêm rồi quyết tâm nghỉ việc về… làm vườn. Cuối năm 2016, vườn rau thuỷ canh Đức Tín ra đời. Đức kể lại: “Bắt tay vào làm mình cũng không có nhiều vốn liếng. Vậy là chạy đi mượn tiền, tìm chỗ thuê đất, nhờ bạn bè phụ giúp… để hoàn thành khu nhà kính trồng rau, tất cả chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng rồi”.
Lứa rau đầu tiên đến ngày thu hoạch. Thế nhưng đầu ra chưa ổn định. Đức lại chạy đôn chạy đáo tìm thêm mối tiêu thụ. Bán trực tiếp cho khách lẻ, cung cấp cho các siêu thị và cả bán trên facebook, zalo… Sau gần nửa năm, vườn rau thuỷ canh Đức Tín bắt đầu đi vào sản xuất ổn định, mối mua rau cũng tăng lên nhiều. Đặc biệt, đối tượng khách lẻ tìm đến tận vườn mua rau với mức tiêu thụ từ 100 – 300kg rau/ngày, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg. “Tuy chi phí bỏ ra để trồng rau thuỷ canh khá cao nhưng nếu tiêu thụ ổn định như hiện nay, sau một năm là mình có thể thu hồi vốn đầu tư” – Đức cho hay.
Đón khách miễn phí
Khác với một số vườn rau thuỷ canh tại Đà Lạt. Vườn rau Đức Tín với lợi thế nằm đối diện cổng khu du lịch Thung lũng Tình yêu rất đông khách du lịch tới lui. Nắm bắt thị hiếu du khách muốn đến tham quan các khu trang trại nông nghiệp cao tại Đà Lạt, Đức đã mở cửa đón khách vào tham quan miễn phí xem như một hướng đi của trang trại. Vào những ngày cao điểm hoặc cuối tuần, lượng khách đến tham quan lên đến 300 – 400 người/ngày. Các đoàn khách đều được hướng dẫn tham quan, giới thiệu bao quát về công nghệ trồng rau sạch theo phương pháp thuỷ canh.
Không chỉ được vào tham quan, chụp hình miễn phí, du khách còn có thể tự tay thu hoạch rau hoặc mua rau về sử dụng nếu có nhu cầu. Kéo cây lô lô tím (một trong 5 loại rau xà lách trồng tại trang trại Đức Tín) với bộ rễ dài trắng muốt, cây xoè to như một bông hoa màu tím chụp ảnh, nữ du khách Đặng Thị Mỹ Duyên không dấu nổi thích thú. “Lần đầu tiên mình chứng kiến tận mắt trồng rau thuỷ canh như thế này rất là đẹp và có thể chụp hình thoải mái. Đặc biệt mình và mọi người có thể đem rau sạch về tặng cho người thân và bạn bè” – Mỹ Duyên vui vẻ nói.
Cùng quan điểm, trong một lần đến khảo sát tour cho công ty, hướng dẫn viên Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ: “Bên mình đang tìm một số mô hình nông nghiệp sạch để dẫn khách đến khám phá trong các tour đi Đà Lạt. Trang trại này sẽ là một điểm đến lý tưởng bởi vị trí thuận lợi và đặc biệt sản phẩm rau sạch ở đây rất phù hợp cho nhu cầu tham quan, mua về sử dụng của du khách”.
Hướng đi sắp tới, chàng thạc sỹ trẻ tiếp tục đầu tư trồng rau xà lách xoong, rau muống thuỷ canh… và mở rộng diện tích, trồng dâu tây phục vụ khách. “Trước mắt mình vẫn để du khách vào tham quan miễn phí, sau này mở rộng trang trại sẽ tính đến phương án tiếp theo. Miễn sao giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về mô hình trồng rau siêu sạch của Đà Lạt và cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn nhất là được” – Đức bộc bạch.