Cây bời lời từ lâu đã gắn bó với người dân huyện Chư Pah, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Bời lời rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, trồng một lần là cho thu hoạch đến vài chục năm.

gia-lai-cay-thoat-ngheo-o-chu-pah

Thu hoạch bời lời. Ảnh: Đ.Y

3 ha đất vườn và rẫy của gia đình anh Rơ Châm Lêh (làng Óp, xã Ia Phí, huyện Chư Pah) trồng bời lời từ đầu năm 1980 đến nay vẫn còn cho thu hoạch.

Anh Lêh kể: Ngày ấy, cái đầu mình mới cao bằng chiếc gùi người lớn đã theo bố, mẹ vào rừng đào giống cây bời lời đem về trồng. Những năm bời lời còn nhỏ, gia đình mình trồng xen canh cây mì, mỗi năm cho thu 10 triệu đồng. 5 năm sau, bời lời cho khai thác, gia đình mình bán cho tư thương với giá từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha. Sau 3 năm thu hoạch những diện tích bời lời đầu tiên, gia đình mình lại quay vòng khai thác đợt tiếp theo. Vườn bời lời của gia đình mình đầu tư ban đầu thấp nhưng thu nhập hàng năm khá ổn định.

Tương tự, gia đình anh A Tối (làng Kte, xã Ia Phí) cũng trồng hơn 4 ha bời lời cách đây 21 năm đã cho thu nhiều lần. Anh Tối cho biết: Đây là loại cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên nên khả năng chịu hạn tốt, ít tốn phân bón, khả năng tái sinh cao và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Theo tính toán của anh Tối, mỗi ha đầu tư ban đầu khoảng 3-4 triệu đồng (công đào hố, bỏ phân ban đầu), yêu cầu kỹ thuật thấp nên phù hợp với tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Phenh-cán bộ nông nghiệp xã Ia Phí, cho biết: Hiện trên địa bàn xã Ia Phí có trên 600 ha bời lời, nếu tính cả diện tích trồng xen với cà phê, cao su, mì thì lên đến hàng ngàn ha.

Cây bời lời dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại sống tốt ở những vùng đất bạc màu, đất pha cát, khó có thể trồng những loại cây khác. Đặc biệt, nhu cầu cây bời lời trên thị trường ngày càng lớn. Vì thế, trước đây, mùa thu hoạch bời lời thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 nhưng bây giờ có thể bán quanh năm vẫn có thương lái tìm đến tận vườn mua.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, hiện toàn huyện có trên 2.400 ha bời lời, tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Phí, Ia Khươl, Ia Mơ Nông, Hòa Phú và thị trấn Phú Hòa.

Ông Rơ Châm Hin-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah, nói: Cây bời lời trồng chơi mà ăn thiệt. Nguồn đất nào nông dân cũng có thể trồng bời lời, 4-5 năm sau là bắt đầu cho thu hoạch. Cây bời lời được dùng với rất nhiều mục đích: vỏ bời lời, lá bời lời được bán cho các thương lái làm bột nhang, làm keo…; gỗ bời lời dùng làm gỗ sợi ép, giàn giáo, guốc, vỏ bút chì và các đồ gia dụng… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền bà con nông dân tận dụng triệt để các nguồn đất trồng bời lời, tăng thêm thu nhập.

Còn ông Nê Y Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: “Để thuận lợi cho người dân trong việc chọn giống bời lời đem lại năng suất cao, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn cách chọn giống và tiếp tục hỗ trợ giống để người dân mở rộng diện tích. Cây bời lời được huyện xác định là một trong những cây xóa nghèo cho người dân, hiện huyện đã có kế hoạch quy hoạch đất để cho dân trồng, mở rộng diện tích”.

Ông Nê Y Kiên khẳng định: “Chất lượng cây bời lời được trồng ở huyện Chư Pah rất tốt so với các vùng khác. Tính riêng Cụm tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Pah đã có 2 doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bời lời. Các mặt hàng chế biến từ cây bời lời trên địa bàn huyện Chư Pah được khách trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá rất cao”.