Năm 2016, kinh tế Bắc Giang tăng trưởng 10,4% - tốc độ cao nhất sau 20 năm tái lập tỉnh. Thành tích này có phần đóng góp quan trọng của KH&CN với việc lôi kéo doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và không ngừng tìm kiếm công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản nông sản.

Doanh nghiệp tham gia nghiên cứu

Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất tại địa phương, ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang - cho biết giải pháp đầu tiên là sự liên kết “4 nhà”, một khái niệm không mới, nhưng không dễ thực hiện. Sở khuyến khích doanh

nghiệp tham gia đề tài, dự án ứng dụng KH&CN bằng sự hỗ trợ về thiết bị, máy móc (tối đa là 30%), kỹ thuật, giống, tập huấn, chuyển giao công nghệ. Những doanh nghiệp thực hiện đề tài, dự án cũng được Sở KH&CN hướng dẫn tham gia chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia để được hỗ trợ 30% vốn dự án hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Nhờ đó, đã có không ít đề tài khoa học được thực hiện bởi doanh nghiệp như Công ty cổ phần dược phẩm Bắc Giang, Công ty lâm y dược Bắc Sơn, Công ty cổ phần giống cây trồng Bắc Giang, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế...

Ông Nguyễn Văn Linh (thứ hai từ phải qua) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - thăm mô hình nhân giống cam V2 tại huyện Yên Thế. Ảnh: Hoàng Thoa

Sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân và cơ quan quản lý nhà nước đã giúp nhiều đặc sản như lúa thơm Yên Dũng, vải thiều Lục Ngạn, cam V2, na Lục Nam, bưởi Diễn Hiệp Hòa, chè Yên Thế, cam đường Canh Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, trâu lai Murrah... khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Giá trị vải thiều Bắc Giang tăng 20-30% so với loại vải thông thường nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật tiến bộ trong trồng trọt và bảo quản. Tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 50ha, sản lượng 300 tấn, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.

“Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 5 quốc gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và đang làm thủ tục để được bảo hộ tại Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia” - ông Kiên chia sẻ.

Phát triển công nghệ bảo quản

Bắc Giang từng “nổi tiếng” khi Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) đưa vào chương trình thử nghiệm bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS (Nhật Bản). Công nghệ này giữ quả vải tươi từ 1-2 năm, sản phẩm sau rã đông có màu sắc, hương vị giống như vừa thu hoạch.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư một dây chuyền công nghệ CAS khá tốn kém, Sở KH&CN đã tìm kiếm thêm một giải pháp có chi phí “mềm” hơn. Đó là công nghệ Juran của Israel, giúp quả vải giữ nguyên màu vỏ đỏ và hương vị thơm ngon trong 4-5 tuần.

Với công suất thiết kế linh hoạt từ 1-70 tấn/giờ, giá không quá cao, công nghệ Juran dễ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Về lâu dài, các công nghệ này đều có thể nhân rộng vì Bắc Giang là một trong những tỉnh đứng đầu về sản lượng vải thiều” - ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Bắc Giang cũng đang tìm công nghệ bảo quản na dai - một sản phẩm chủ lực của huyện Lục Nam. Sắp tới, Sở KH&CN sẽ làm việc với đoàn công tác của Israel nhằm mục đích này. Sở cũng sẽ đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ dự án bảo quản na dai Lục Nam.

“Mới đây, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp sử dụng phân bón hợp lý bằng công nghệ của Israel đối với cây vải thiều Lục Ngạn và cây chè Yên Thế. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hợp tác với Israel để chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp” - ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Chia sẻ về thành tích tăng trưởng kinh tế 10,4% của tỉnh trong năm 2016 - tốc độ tăng trưởng cao nhất sau 20 năm tái lập tỉnh, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - khẳng định, KH&CN có đóng góp lớn trong kết quả này.

“Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, tạo được nhiều sản phẩm đặc trưng có thương hiệu. Hiện Bắc Giang là vùng trồng cây ăn quả lớn thứ ba cả nước (gần 45.000ha), riêng vải thiều là vùng chuyên canh lớn nhất (trên 30.000ha). Tỉnh có nhiều mô hình sản xuất gà đồi Yên Thế cho thu nhập cao (từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm mỗi hộ). Bộ mặt nông thôn Bắc Giang thay đổi nhờ ứng dụng KH&CN” - ông Thái nói.