Vừa qua, đề tài “Xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy và học chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình” sau khi được nghiệm thu từng chuyên đề về “Xây dựng bộ gõ chữ Mường” và “Biên soạn tài liệu dạy và học chữ Mường” đã được Sở KH&CN Hòa Bình tổ chức đánh giá nghiệm thu. Kết quả thực hiện Đề tài được xếp loại “Đạt”.

Đề tài do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì thực hiện, phối hợp với Viện Ngôn ngữ học và các nhà khoa học ở Trung ương. Trong quá trình thực hiện, đề tài đã hoàn thành các bước đảm bảo theo trình tự đề tài KH&CN. Đề tài đã được nghiệm thu từng chuyên đề và cho phép ứng dụng vào thực tế. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tiến hành bàn giao các sản phẩm “Bộ gõ chữ Mường” và “Tài liệu dạy - học chữ Mường” cho các đơn vị: Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du Lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Chính trị tỉnh, Báo Hoà Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh triển khai đưa bộ chữ Mường vào đời sống.


Để phục vụ cho việc nghiên cứu Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành hai cuộc điều tra điền dã tại xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn và xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; tổ chức một cuộc tọa đàm khoa học và một cuộc hội thảo khoa học đánh giá về xây dựng bộ gõ chữ Mường, tài liệu dạy - học chữ Mường.

Việc xây dựng bộ gõ Chữ Mường có thể cài đặt được trên nền tảng windown 7, Windown 8, Windown 10. Bộ gõ chữ Mường nay đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của người dùng, có thể cài đặt thuận tiện, hoạt động không tốn nhiều tài nguyên của máy tính.

Đối với nội dung biên soạn tài liệu dạy và học chữ Mường, Ban chủ nhiệm đã biên soạn tài liệu học chữ Mường cho người biết tiếng Mường tập trung phản ánh được đặc trưng của tiếng Mường. Tài liệu được biên tập thành 10 bài học, ở từng bài có phần ôn luyện và bài tập, sau 4 bài có một bài ôn tập và cuối sách có một bài tổng hợp để ôn tập, hệ thống hóa kiến thức. Với cách sắp xếp phù hợp, khoa học, tài liệu có thể giúp người học (người biết nói tiếng Mường) nắm vững chữ Mường đồng thời sử dụng chữ Mường vào trong sinh hoạt, công việc hàng ngày.

Tài liệu tiếng Mường cơ sở là tài liệu dùng để dạy - học cho những ai muốn học tiếng nói chữ viết Mường. Tài liệu được biên soạn theo hướng giao tiếp, lấy hội thoại làm nòng cốt để triển khai việc phát âm, học từ, ngữ pháp theo phương pháp học đến đâu sử dụng đến đó. Các bài đều được biên soạn bằng các mẫu câu hội thoại ngắn gọn, gắn với từng chủ đề giao tiếp. Tài liệu được biên tập thành 20 bài gồm: 1 bài mở đầu giới thiệu bảng chữ cái, Bộ gõ chữ Mường; 15 bài học; 4 bài ôn tập (sau 5 bài học là 1 bài ôn tập).

Đề tài đã biên soạn tài liệu đọc - hiểu chữ Mường cho người biết tiếng Mường. Đây là tài liệu bổ trợ, củng cố và nâng cao tiếng Mường. Tài liệu gồm 20 bài với các chủ đề về đời sống của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Trong đó, gồm 2 bài “Thủy điện Hòa Bình: Bản hùng ca của thế kỷ XXI” và bài “Cam Cao Phong” và 18 bài đều có nội dung là các phong tục tập quán, các câu chuyện cổ tích dân gian đậm nét văn hóa Mường.

Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy tiếng nói, chữ viết Mường dành cho những người trực tiếp tham gia giảng dạy chữ Mường, tiếng Mường. Đây là tài liệu cho những người học chữ Mường muốn tìm hiểu sâu hơn, bổ sung kiến thức về tiếng nói chữ viết Mường. Đồng thời, cũng là tài liệu giúp cho những người tự học chữ Mường giải đáp mọi gặp khó khăn thắc mắc. Tài liệu gồm 12 hướng dẫn cụ thể được quy về 2 nội dung chính, đó là: Nội dung đầu tiên giới thiệu một số khái niệm cơ bản của ngôn ngữ học nói chung, của tiếng Mường nói riêng; giới thiệu tóm tắt về dân tộc Mường, tiếng Mường, bộ chữ Mường, bộ gõ chữ Mường; giới thiệu một số âm đặc trưng riêng của tiếng Mường và cách viết chúng. Nội dung thứ hai là phần bài tập.

Cuối mỗi bài học của 3 cuốn tài liệu được biên soạn đều có một đến hai câu “lời ăn tiếng nói của người Mường”. Thông qua các bài đọc hiểu, người học có thể hiểu thêm đời sống vật chất và tinh thần, lối tư duy, đặc trưng văn hóa dân tộc của người Mường. Đặc biệt, là giúp cho người Mường biết thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc mình.

Đây là Đề tài phục vụ cho đông đảo bà con dân tộc Mường, các dân tộc anh em trong tỉnh Hòa Bình; biên soạn tin tức, tài liệu; xây dựng chuyên trang, chuyên mục; dạy chữ Mường, tiếng Mường trên kênh phát thanh truyền hình. Đồng thời, sử dụng cho các nhà nghiên cứu để biên soạn sách, tài liệu bằng chữ Mường; ứng dụng bộ gõ và tài liệu để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, văn bản hóa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường theo bộ chữ đã được phê chuẩn.