Cây măng tây được trồng ở Hải Dương chỉ trong mấy năm trở lại đây, song đã bước đầu thể hiện hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây rau màu truyền thống.
Những năm gần đây, cây rau màu truyền thống ở xã Đức Chính chủ yếu vẫn là cây cà rốt vụ đông và các loại rau dưa vụ xuân hè. Cây măng tây chỉ mới được trồng trên đất Đức Chính trong vòng hai năm, nhưng qua thực tế từ mô hình trồng măng tây của gia đình ông Trần Mạnh Chử, thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, đây thực sự là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cách đây hai năm, qua tìm hiểu thấy cây măng tây cho hiệu quả kinh tế cao, ông Chử đã quyết tâm chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cà rốt sang trồng măng tây. Ông mày mò lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) tìm mua cây giống, học hỏi kinh nghiệm từ đài, báo và tìm đến công ty chuyên về măng tây để được chuyển giao kỹ thuật. Chi phí ban đầu ước tính đầu tư khoảng 400 triệu đồng để cải tạo vườn, mua cây giống, thiết kế hệ thống giàn tưới tự động. Nếu như năm 2015, năng suất cây măng tây chỉ từ 0,5 kg đến 1kg măng/sào, thì năm 2016, năng suất đã tăng gấp đôi, trung bình cho 2 kg măng/sào trở lên. Với giá bán buôn tại vườn bình quân khoảng 70.000 đồng/kg, vườn măng tây đã cho mang lại doanh thu tiền triệu mỗi ngày cho gia đình ông.
Anh Phan Duy Thanh (thôn Chí Linh 2, xã Nhân Huệ, thị xã Chí Linh) cũng là người đầu tiên ở xã mạnh dạn trồng măng tây. Bước đầu, vườn măng tây đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình anh. Năm 2014, anh Thanh dành 1 ha trồng cây măng tây. Với giá bán hiện tại từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, mỗi ngày anh thu khoảng 1 triệu đồng từ vườn măng. Đầu tư ban đầu cho 1 ha này mất khoảng 300 triệu đồng. Đến khi cây cho thu hoạch, có doanh nghiệp về thu mua tận vườn với giá cam kết. Chúng tôi không phải lo đầu ra. Lợi nhuận thì cao gấp đôi, gấp ba lần các loại cây màu khác, anh Thanh cho biết.
Xã Nhân Huệ có 550 ha đất tự nhiên; trong đó, 230 ha đất nông nghiệp. Từ bao năm nay, thu nhập chính của người dân vẫn từ trồng lúa và các cây rau màu truyền thống như cà chua, bắp cải, cà rốt, đậu tương. Mới đây, thấy mô hình măng tây của gia đình anh Thanh đem lại hiệu quả, nên nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý hỗ trợ đầu tư, cam kết thu mua sản phẩm và xã rất muốn nhân rộng, Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, rất khó mở rộng mô hình bởi phía công ty bao tiêu sản phẩm yêu cầu phải đảm bảo diện tích trên 1 ha mới lựa chọn đầu tư.
Ảnh minh họa.
Để giải quyết khó khăn trên, năm 2016 - 2017, Hội Nông dân thị xã Chí Linh tổ chức thực hiện đề tài Xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh trên địa bàn thị xã Chí Linh. Mô hình được thực hiện với quy mô 90.000 cây măng tây xanh được trồng trên diện tích 3,5 ha ở xã Đồng Lạc và 2,5 ha ở xã Nhân Huệ. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, măng tây xanh bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất đạt 10 - 15 tấn măng/ha, lãi 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Loại măng này của bà con đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá hiện nay 50.000 đồng/kg.
Sau hai năm thực hiện đề tài, chính quyền xã Nhân Huệ và bà con tham gia mô hình đã khẳng định hiệu quả kinh tế của cây măng tây so với các loại cây rau màu vẫn được trồng tại địa phương. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả, bà con nông dân cần sự chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cung cấp quy trình sản xuất hoàn thiện, trợ giá giống. Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cần thực hiện đúng quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm; đồng thời, thực hiện nghiêm việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để sản xuất bền vững, tạo sản phẩm sạch, từ đó cho hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề tài để có kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.