Nhiều cơ chế, chính sách quản lý KH&CN được đổi mới để đẩy mạnh động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gắn kết hơn thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Gắn kết thực tiễn sản xuất và kinh doanh
Đến nay, quá trình triển khai thực hiện hoạt động KH&CN ở Thủ đô đã đạt được những thành tựu lớn, việc đầu tư cho KH&CN ngày càng tăng, cơ chế, chính sách quản lý KH&CN được đổi mới; tiềm lực KH&CN được phát huy. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gắn kết hơn thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội có lợi thế về nguồn nhân lực, là nơi tập trung đông đảo đội ngũ trí thức nhất cả nước, nhiều trường đại học, cao đẳng, viện, cơ quan nghiên cứu của Trung ương (trong đó có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm của Quốc gia) với các trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội còn có lợi thế về đất đai, dân cư, thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với chất lượng mức sống cao.
TS. Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh.
Ở lĩnh vực quản lý kinh tế đã đề xuất được các giải pháp phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, giải pháp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế, quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đề xuất được các giải pháp về quy hoạch, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch, cải tạo các chung cư cũ. Các giải pháp phát triển tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội. Nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ thiết kế, thi công, tính toán tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, độ an toàn công trình xây dựng. Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Lĩnh vực công nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Nhiều đề tài, dự án tiêu biểu đã được áp dụng vào thực tiễn, được giải thưởng cao, được đánh giá cao trên các tạp chí quốc tế và được đăng ký phát minh, sáng chế như: Hoàn thiện công nghệ sản xuất van chống sét gốm MOV-ZnO điện áp 35kv phục vụ cho các hệ thống điện xây lắp mới với ưu thế giá thành, trọng lượng nhẹ, tận dụng nguyên liệu trên địa bàn; hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo máy đúc bó vỉa bê tông dùng để đúc bó vỉa bê tông di động; hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo tổ máy bơm chìm – động cơ điện chìm trục đứng phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và chống úng ngập cho Thành phố.
Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thiết bị pha chế dịch đồng bộ tự động và hoàn thiện công nghệ pha chế dịch điện giải đậm đặc để cung cấp cho điều trị thận nhân tạo; hoàn thiện công nghệ sản xuất Đông trùng hạ thảo trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô công nghiệp, kết quả dự án đã được nhân rộng cho một số cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, cung cấp cho xã hội sản phẩm phục vụ nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng thu nhập cho người dân và tạo công ăn việc làm…
Nghiên cứu và phát triển hệ thống quan trắc môi trường khí từ xa qua mạng điện thoại di động; hệ thống quản lý hồ sơ, trang thiết bị và vật tư sử dụng máy đọc mã vạch di động tương tác hai chiều; nghiên cứu thực trạng sản xuất và các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Diễn theo hướng VietGAP trên địa bàn Hà Nội; nghiên cứu ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP…
Trong 5 năm, từ năm 2010 đến nay, đã thẩm định công nghệ 115 dự án đầu tư trong các lĩnh vực. Trong đó, có những dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như: Công trình nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long – Vân Trì, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở… Sở KH&CN đã triển khai xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống góp phần phát triển thương hiệu các làng nghề.
Tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội
TS. Lê Xuân Rao cho biết, mục tiêu phát triển KH&CN trong thời gian tới là phát huy được tiềm năng của đội ngũ trí thức, nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KH&CN, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm; tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Phấn đấu đến năm 2020, đưa Hà Nội là trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN, năng lực nghiên cứu, phát minh sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.
Giai đoạn trước mắt, Thành phố tập trung ứng dụng KH&CN vào việc duy trì, phát triển các sản phẩm lợi thế, sản phẩm chủ lực và sản phẩm của các làng nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội. Ứng dụng KH&CN sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ các ngành dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao…
Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào giải quyết những vấn đề bức xúc, nóng bỏng từ thực tiễn của Thủ đô như: Cải cách hành chính, quản lý kinh tế, thu hút đầu tư, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chống ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển giáo dục và đào tạo…
Trong giai đoạn lâu dài sẽ xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm KH&CN lớn của Việt Nam và khu vực trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm có giá trị tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Tập trung đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm hàng hóa được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế.