Nghề nuôi ong khai thác phấn hoa cây bạc hà của đồng bào các dân tộc đã có từ lâu đời tại cao nguyên đá.
Trong năm 2013, mật ong bạc hà của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh hiện có 27.862 đàn ong, trong đó đàn ong được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mật ong bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá là 19.750 đàn, chiếm 70,9% tổng số đàn ong cả tỉnh; trong đó có 22 tổ chức và 4.400 hộ tham gia nuôi ong.
Nhưng theo đánh giá của Cục Chăn nuôi và những người trực tiếp tham gia nuôi ong, thì loài ong ngoại (ong Ý) gây ảnh hưởng rất lớn đến đàn ong nội của địa phương. Đàn ong ngoại không chỉ tranh chấp khốc liệt về nguồn phấn hoa bạc hà, nhất là vào thời kỳ khan hiếm mật hoa mà còn là kẻ thù tiêu diệt đàn ong nội địa phương. Vì vậy, Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo UBND tỉnh Hà Giang cần đưa giống ong nội của địa phương vào danh sách bảo tồn.
Do đặc điểm, cây hoa bạc hà chỉ sinh trưởng từ tháng 9 dương lịch đến tháng một của năm sau. Đây cũng chính là thời kỳ khai thác mật ong bạc hà của người dân tại 4 huyện Cao nguyên đá. Sau thời kỳ trên, người nuôi ong lại phải di chuyển đàn ong đến các điểm khai thác mật hoa của các loài cây khác hoặc cho ong ăn thêm để bảo vệ đàn.
Xuất phát từ thực tiễn đó, nên sản lượng mật ong bạc hà của Hà Giang phụ thuộc rất lớn vào số lượng cây bạc hà sinh trưởng mỗi năm. Đã có nhiều người nuôi ong mật bạc hà trên Cao nguyên đá cho rằng nghề nuôi ong mật bạc hà như chơi canh bạc vì có năm được, năm mất do phụ thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây bạc hà.
Bên cạnh những khó khăn đó, người nuôi ong mật bạc hà của Hà Giang lại phải đối mặt với sự có mặt của đàn ong ngoại khi những người nuôi ong ngoại tỉnh đưa đàn ong của họ lên khai thác phấn hoa cây bạc hà trên vùng Cao nguyên đá. Ngoài ra, Hà Giang là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt mạnh và là một tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nên sự có mặt của những người nuôi ong ngoại tỉnh không chỉ gây khó khăn cho sự phát triển của đàn ong nội mà còn gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở mà họ đặt thùng ong.
Ảnh minh họa.
Từ thực tiễn đó, để bảo vệ và phát triển thương hiệu “Mật ong bạc hà” cũng như bảo vệ và đàn ong nội, tạo sinh kế cho đồng bào nâng cao thu nhập, các cấp chính quyền tại 4 huyện Cao nguyên đá và các ngành chức năng của Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân vùng Cao nguyên đá nâng cao nhận thức để bảo vệ và phát triển đàn ong nội của địa phương. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Quy trình Bảo tồn đàn ong nội trình UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị với các bộ, ngành chức năng của Trung ương trong công tác bảo tồn và phát triển đàn ong nội của tỉnh.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Hà Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương xây dựng “Qui trình bảo tồn và phát triển giống cây hoa bạc hà” để nâng cao sản lượng và chất lượng của mật ong bạc hà.
Theo Sở KH&CN Hà Giang