Đỗ Hoàng Long học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có nhiều ý tưởng để phong trào dạy - học STEM, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học. Báo Khoa học và Phát triển giới thiệu bài viết của Hoàng Long cùng bạn đọc.

Đỗ Hoàng Long - học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - là một trong những người đóng góp tích cực vào hoạt động của câu lạc bộ khoa học theo mô hình STEM. Hoàng Long đã có nhiều ý tưởng để phong trào dạy - học STEM trở nên gần gũi hơn với học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học. Báo Khoa học và Phát triển giới thiệu bài viết của Hoàng Long cùng bạn đọc.

Một tiết học với tính chất “khoa học vui” cho các em học sinh tiểu học.  Ảnh: Tác giả cung cấp
Một tiết học với tính chất “khoa học vui” cho các em học sinh tiểu học. Ảnh: Tác giả cung cấp

Khoa học cần... vui

Với mong muốn đóng góp cho cộng đồng và rèn luyện các kỹ năng mềm, nhiều bạn học sinh trung học phổ thông hiện nay rất hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là những dự án ở hai mảng giáo dục và môi trường. Đối tượng của những dự án này là các bạn từ 7-12 tuổi với những hoạt động quen thuộc như hướng dẫn tái chế rác thải hoặc giảng dạy kỹ năng sống. Không thể phủ nhận rằng, đây đều là những chủ đề bổ ích và thú vị. Tuy nhiên, khi số lượng dự án kiểu này ngày càng lớn, việc tìm thêm những nội dung độc đáo hơn để đưa vào giáo trình là một điều cần được chú trọng.

Một trong những giải pháp để đổi mới nội dung các dự án ngoại khóa chính là việc kết hợp nội dung STEM vào nội dung sinh hoạt. STEM - viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (Toán học) không đơn thuần chỉ là nhóm các môn học mà còn là phương pháp học tập đi đôi với thực hành. Dựa vào những đặc điểm này, nội dung STEM hoàn toàn có thể được khai thác để tạo nên những bài giảng hay, hoạt động bổ ích, lý thú cho học sinh nhỏ tuổi.

Hoạt động chính là tổ chức những tiết học với tính chất “khoa học vui” cho các em học sinh tiểu học. Những buổi học “khoa học vui” với các anh chị tình nguyện viên sẽ là những cơ hội để các em nhỏ tiếp cận và nhìn thấy vẻ đẹp của môn học này một cách chủ động hơn. Nhiều dự án do học sinh trung học phổ thông tổ chức như Camp Blast, Lib&Learn, Bimbim Project,… đã linh hoạt kết hợp giảng dạy khoa học với trình diễn ảo thuật vui. Các màn ảo thuật dựa trên những hiện tượng kỳ thú của bộ môn như tàu ngầm trong chai nước hay đèn lava tự chế đã thực sự tạo được sự vui thích, hứng thú từ các khán giả nhí.

Học sinh làm sự kiện

Những dự án đã từng được triển khai trước đó vẫn có thể làm mới nội dung bằng cách kết hợp STEM vào giáo án của các buổi sinh hoạt. Có thể lấy một dự án hướng dẫn học sinh tiểu học lắp ghép mô hình từ rác tái chế làm ví dụ. Nếu trước đây, công việc của tình nguyện viên đơn thuần là hướng dẫn các em cắt dán để tạo được sản phẩm thì giờ đây, tình nguyện viên có thể rèn luyện tư duy khoa học cho các em qua việc đặt thêm câu hỏi hoặc để các em tự tìm cách khắc phục vấn đề. Đây là cơ hội để các em học sinh hình thành lối suy nghĩ “sai - thử lại” và “so sánh giải pháp” tưởng chừng không quan trọng nhưng lại chính là cách giúp việc học STEM trong tương lai trở nên hiệu quả hơn.

Hơn nữa, rất nhiều kiến thức STEM có thể được khai thác và truyền tải thông qua những hoạt động thực hành gấp giấy, lắp ráp mô hình, trồng cây,… Thêm vào đó, thay vì tuyên truyền một cách hình thức, ban tổ chức có thể mở rộng nội dung tới những cơ sở và giải pháp khoa học liên quan tới quy trình tái chế. Những bài học này được biên soạn một cách dễ hiểu và sinh động, giúp các em học sinh không chỉ lắng nghe mà còn biến chuyển từ nhận thức sang hành động một cách tích cực.

Có thể nói, giáo dục STEM đi cùng thực hành bảo vệ môi trường hiện là một giải pháp không tốn kém, đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Sự kết hợp này không chỉ giúp thay đổi nhận thức về một vấn đề xã hội mà còn nâng cao hiểu biết và kích thích hứng thú học tập của các em học sinh.

Hiện một vài hoạt động ngoại khóa liên quan đến giáo dục STEM cũng đã được tổ chức. Chuỗi sự kiện Science Tornado 2015 (Cơn lốc khoa học) do những học sinh đam mê khoa học của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức là một ví dụ điển hình. Với chủ đề tiến hóa (Evolution), cùng nhiều hình thức từ lớp học, cuộc thi tới triển lãm, Science Tornado thu hút sự chú ý và tham gia của gần 1.000 học sinh cũng như các bậc phụ huynh trên thành phố.

Hay như sự kiện Science Fair - một sự kiện khác do học sinh các trường chuyên của thành phố Hà Nội tổ chức tại hiệu sách The Booksquare trong mùa hè vừa qua cũng đã thu hút dược sự quan tâm của nhiều phụ huynh và em nhỏ. Nhìn chung, xây dựng hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là hoạt động liên quan đến giáo dục, là một hướng đi mới với nhiều tiềm năng. Bằng sự năng động và sáng tạo cũng như tác phong thân thiện và gần gũi, các bạn học sinh PTTH hoàn toàn có thể tổ chức những mô hình sinh hoạt hiệu quả. Những nỗ lực này chắc chắn không chỉ trau dồi thêm kinh nghiệm cho bản thân, nâng cao nhận thức của cộng đồng mà còn góp một phần nhỏ vào phong trào dạy - học STEM ở Việt Nam hiện nay.

(*Các tiêu đề nhỏ do toà soạn đặt)
Đỗ Hoàng Long hiện là học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Long từng tham gia dịch sách cờ vua từ khi học lớp 5 và dịch một cuốn sách giải toán cho học sinh lớp 5. Long đã giành 10 giải học sinh giỏi thành phố, giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh quốc gia 2014-2015 và huy chương bạc toán châu Á - Thái Bình Dương năm lớp 7; TOEFL được 117 điểm; giải ba hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (VISEF) 2013-2014; trưởng ban tổ chức dự án dạy học LIB & LEARN; trưởng ban nội dung Camp Blast 2015.