Theo tính toán của nông dân, phương pháp trồng đậu phộng xen mì (sắn) đạt lãi ròng hơn 71 triệu đồng/ha, trong khi đó trồng theo kiểu truyền thống chỉ đạt gần 59 triệu đồng/ha.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với dải đất miền Trung đầy nắng gió. Để giúp nông dân từng bước thích ứng, vụ ĐX 2016-2017, Qũy Môi trường toàn cầu (UNDP) đã hỗ trợtỉnh Bình Định phát triển cây sắn (mì ) bền vững thông qua các mô hình thâm canh...
Từ những mô hình trên, nông dân làm quen với giải pháp thâm canh đậu phộng (lạc) xen mì trên đất cát nghèo dinh dưỡng và thâm canh mì xen với đậu đen trên đất đồi gò.
|
Năng suất đậu phộng trong mô hình đạt 37,68 tạ/ha |
Ông Tống Nhuệ, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bình Định cho biết: “Mô hình khuyến cáo nông dân sử dụng các giống mì, đậu phộng và đậu đen năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với sinh thái từng địa phương; áp dụng kỹ thuật bón phân hợp lý để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng với mật độ trồng xen thích hợp. Đặc biệt là sản phẩm phụ sau thu hoạch gồm thân, lá, rễ cây đậu phộng được trả lại cho đất để che phủ gốc mì; hộ chăn nuôi thì chế biến thành thức ăn hỗ trợ để vỗ béo bò”.
Cũng theo ông Tống Nhuệ, qua 2 năm (2015, 2016) áp dụng giải pháp trồng mì xen đậu phộng, năng suất cây mì và đậu phộng trên địa bàn 2 xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) và xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) đã được cải thiện đáng kể. Tại xã Cát Hiệp, năng suất mì trồng xen đạt bình quân 30,45 tấn/ha, trong khi đó năng suất cây mì trồng phổ biến chỉ đạt 27,94 tấn/ha; tại xã Bình Tân mì trồng xen đạt năng suất 23,84 tấn/ha, còn mì trồng phổ biến chỉ đạt 21,34 tấn/ha.
Tương tự, năng suất đậu phộng trong mô hình trồng xen cũng đạt cao đến 37,68 tạ/ha, tăng hơn 10% so với những diện tích đậu phộng trồng phổ biến.
Ngoài ra, chất xanh còn lại của thân, lá, rễ cây đậu phộng được trả lại cho đất với trọng lượng 28 tấn/ha. Sau khi thu hoạch đậu phộng, thân và lá của nó được sử dụng để ủ và chế biến thành thức ăn hỗ trợ vỗ béo bò với số lượng từ 8 - 10 con/ha trong vòng 3 tháng. Từ việc nuôi bò vỗ béo sẽ cho 4 - 6 tấn phân chuồng. Đây là lượng phân bón chủ yếu để bón lại cho đất trong các vụ tiếp theo; hoặc dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm đất và còn trả lại chất hữu cơ cho đất.
|
Thân, lá, rễ cây đậu phộng được trả lại cho đất với trọng lượng 28 tấn/ha |
Theo tính toán của nông dân, phương pháp trồng đậu phộng xen mì đạt lãi ròng hơn 71 triệu đồng/ha, trong khi đó trồng theo kiểu truyền thống chỉ đạt gần 59 triệu đồng/ha, chênh lệch đến hơn 12 triệu đồng/ha, gấp 1,21 lần.
Cũng trong khuôn khổ dự án do UNDP hỗ trơ, trong năm 2016 Bình Định còn triển khai thêm mô hình đậu đen xen mì tại thôn Phú Hưng, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), năng suất đậu đen trong mô hình đạt 15 tạ/ha, năng suất mì đạt 25,5 tấn/ha, cho lãi ròng 18,5 triệu đồng/ha, vượt hơn mì trồng thuần gần 8 triệu đồng/ha, gấp 1,75 lần. Đây là mô hình phù hợp trên những vùng đất trồng mì không có nước tưới và ít đầu tư thâm canh hơn.
|
Năng suất sắn trong mô hình trồng xen đạt 39,45 tấn/ha |
Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, mô hình đậu phộng xen mì vừa có hiệu quả kinh tế vừa có tác dụng cải tạo và bảo vệ đất đai, hạn chế rửa trôi, thoái hóa đất. Sau khi thu hoạch đậu phộng, một phần thân và lá dùng để che phủ gốc mì nhằm duy trì độ ẩm đất và còn trả lại chất hữu cơ cho đất. Áp dụng phương thức canh tác đậu phộng xen mì không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên đất giúp quá trình canh tác bền vững hơn.