Với phương pháp canh tác trên đất ruộng bậc thềm cao - là loại đất không bị ngập úng vào mùa mưa lũ, đất được cày bừa kỹ, dùng nước mưa trời và phân bò để bón chỉ có ở Bảy Núi đó là những thứ đã tạo nên một gạo Nàng Nhen Thơm Bảy Núi nổi tiếng.
Tên gọi tự nhiên và hành chính của vùng địa lý
Bảy Núi còn có tên là Thất Sơn, gồm bảy ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ, thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Phần nhô cao tức đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km. Khởi đầu từ xã Phú Hữu (huyện An Phú) qua xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc), bao trùm lên gần hết hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, về tận xã Vọng Thê, Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.
Cánh đồng lúa nàng Nhen phía Đông Nam của Bảy Núi. Ảnh: Saosang.
Vùng Bảy Núi khi xưa là đất của Chân Lạp. Rồi trong một cuộc tranh giành quyền lực, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ đã trở lại ngôi vua. Để tạ ơn, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long, trong đó có Bảy Núi, vào năm 1757.
Bảy ngọn núi ấy liên hoàn tạo thành hình vòng cung có tên là: núi Nước, núi Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Két, núi Dài, núi Cấm và núi Tượng. Có khá nhiều con đường dẫn vào Bảy núi tuy không rộng lớn nhưng rất đẹp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhiều chùa chiền, miếu, mạo của các tôn giáo nằm lẩn khuất dưới những tàng cây Thốt Nốt trải dài theo các tỉnh lộ.
Xuất xứ của sản phẩm cuối cùng, tức là gạo nàng Nhen thơm được chế biến, đóng gói được ghi nhận là trong phạm vi 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang.
Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Bảy Núi” nằm ở vành đai trong của tuyến kênh cấp I và cấp II vùng Bảy Núi. Nếu lấy điểm cực Bắc vùng Bảy Núi và quay theo chiều kim đồng hồ sẽ có một vùng đất nằm trong vành đai trong của các kênh: kênh Vĩnh Tế - kênh Trà Sư – kênh Tri Tôn – kênh Ninh Phước I – kênh chữ U - kênh Mới - kênh T6 – kênh 5 xã – kênh 20 – kênh Vĩnh Tế đem lại tính chất, chất lượng đặc thù cho sản phẩm gạo Nàng Nhen Thơm.
Ngược lại, vùng đất nằm bên ngoài vành đai tuyến kênh cấp I và cấp II lại là vùng đồng bằng trũng chân núi của vùng Bảy Núi, có thể bị ngập trong mùa mưa lũ, không phù hợp với yêu cầu sinh thái và vì vậy, không đem lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù cho gạo nàng Nhen thơm Bảy Núi.
Vùng Bảy Núi có địa hình bán sơn địa, có vùng đất không ngập lũ, kết cấu đất pha cát bao quanh chân núi được xem là nơi duy nhất trồng được giống lúa này nên có nhiều đặc điểm sinh học hoàn toàn khác với các giống lúa cao sản hiện nay. Lúa Nàng nhen chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, không cần phải sử dụng nhiều phân vô cơ, sử dụng phân bò là chính, phát triển tốt dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên.
Người dân Bảy Núi có một cụm từ rất ấn tượng để chỉ ruộng Nàng Nhen Thơm là “đất ruộng trên, hoặc ruộng bậc thềm cao”. Đây là các thửa ruộng như những bậc thềm rộng nằm ven các chân núi và thung lũng cụm núi, không bằng phẳng như đồng bằng châu thổ nhưng cũng không dốc như ruộng bậc thang ở Hà Giang, Cao Bằng. Đất ruộng trên có độ cao từ 4-40m so với mặt nước biển.
Nằm ở độ cao lớn hơn mực nước lũ hàng năm ở vùng tứ giác Long Xuyên nên đất ruộng trên ở Bảy Núi không được bồi đắp phù sa vào mùa nước nổi, nhưng bù lại đất không nhiễm phèn nặng, nhiễm mặn, không ngập úng.
Ngoài ra, do đất vùng Bảy Núi có thành phần cơ giới nhẹ, địa hình có độ dốc từ 30- 80, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam về hướng Kiên Giang, vì vậy đất ruộng trên thoát nước nhanh. Với đặc điểm này, khi lúa vào đòng và chắc hạt, nàng Nhen thơm tuy ngã đổ nặng nhưng lúa không bị ngâm nước, không ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Điều kiện thổ nhưỡng
Khác với các vùng trồng lúa đặc sản khác như: Tám xoan Hải Hậu và Nàng Thơm Chợ Đào, vùng trồng lúa nàng Nhen thơm là các dải đất liên tục ven sông ở đồng bằng, là dạng đồng bằng chân núi và ven thung lũng.
Thu hoạch lúa nàng Nhen. Ảnh:Danviet.
Vùng cao Bảy Núi có 3 nhóm đất chính: LP: đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá; ARho: đất cát núi, tầng mặt hữu cơ mỏng; PDdo: đất phù sa phát triển khá, có tầng rửa trôi, tầng mặt mỏng, là nhóm đất chiếm phần lớn diện tích đất ruộng trên.
Đất ruộng trên có cấu tạo chủ yếu là đất cát pha dạng phù sa cổ bồi tích, tầng mặt mỏng, thành phần dinh dưỡng nghèo, các nguyên tố vi lượng hiện diện ở hàm lượng thấp, nghèo mùn hữu cơ. Đất ít độc chất và kim loại nặng, không nhiễm phèn nặng, nhiễm mặn, độ pH có giá trị thích hợp cho cây lúa phát triển. Với điều kiện thổ nhưỡng này, chỉ với phân hữu cơ chủ yếu là phân bò bón lót, bón thúc đẻ nhánh, nuôi đòng, không phải loại lúa nào cũng cho gạo ngon và năng suất cao như nàng Nhen Thơm Bảy Núi.
Đất ruộng trên có các chỉ tiêu lý hóa (giá trị trung bình) trong 100 g đất như sau: OM (%): 1,41; Ndt (mg): 6,90; Pdt (mg): 2,54; Kdt (mg): 25,87; Cadt (mg): 82,47; Mgdt (mg): 47,29; SO¬42-dt (mg): 299,96; Fedt (mg): 94,21; Al3+dt (mg): Không phát hiện (KPH); Cudt (mg): 0,98; Mndt (mg): 116,69; Zndt (mg): 3,42; Modt (mg): 0,22.