Học và được hành quả là chuyện không đơn giản, bao nhiêu trường hợp cơm cha áo mẹ công thầy xong rồi vì mưu sinh lại tìm nghề khác mà làm, chặng đường tìm đến với các bạn trẻ khởi nghiệp có nhiều điều để kể.

Nhân dịp cuối năm 2017, chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã cùng với các bạn trẻ ở khắp nơi đến Con Tôm Eco Farm, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Và những câu chuyện đẹp về những người thanh niên trẻ yêu quê hương sẽ gặp nhau, để kể cho nhau nghe mình đã làm gì để kiếm sống cho bản thân, cho gia đình và cho cả những người lao động khác.

Phạm Xuân Thành, chàng kiến trúc sư trẻ tuổi tốt nghiệp năm 2014, là giám đốc của công ty TNHH Con Tôm, cũng là người lập ra Con Tôm Eco Farm, đã kể với chúng tôi câu chuyện khởi nghiệp của mình, câu chuyện của một cô giáo kỹ sư nông nghiệp dạy trường đại học Kiến trúc trồng rau, chỉ cho đàn em kiến trúc sư làm nhà màng phơi tôm.

Xây dựng nên Con Tôm Eco Farm để bảo đảm vệ sinh môi trường của 9ha rừng đước của Eco Homestay và cả không gian xung quanh, Thành đã đề ra các tiêu chí là không bia, không rượu, không thuốc lá, không vệ sinh bừa bãi.

Khi được hỏi “Ngặt nghèo quá vậy thì tiếp được bao nhiêu khách”? Thành cười cười nói “4 KHÔNG nhưng nhiều CÓ lắm, đó là tất cả không khí trong lành, bình yên”. Chiều chiều ngắm chim, cò bay trên bầu trời để trở về nhà của mình là những rừng đước xung quanh; có chuyện tự chèo xuồng đi bắt cua, cá, tôm; ai thích thì cầm búa đi đục hàu rừng đước (ngon vô cùng); có bơi hay té trong dòng nước đậm màu phù sa (phải chuẩn bị áo phao nếu bạn nào không biết bơi, dù rằng mực nước hầu hết chỉ cao khoảng gần 1,5m).

Phạm Xuân Thành, chàng kiến trúc sư trẻ tuổi tốt nghiệp năm 2014, là giám đốc của công ty TNHH Con Tôm.

Có câu chuyện của anh chàng kiến trúc sư có công việc ổn định, nhưng lại trở về quê để đem những kiến thức đã học về làm cho sản phẩm con tôm rừng đước đi khắp nơi, với ước ao cho mọi người biết thuỷ sản của quê mình ngon tuyệt vời.

Ngoài chuyện mỗi ngày người dân đều có thể đặt lờ, đuôi chuột (dụng cụ bắt thuỷ sản) bắt cua, tôm…, mỗi tháng dân Cà Mau chỉ xả cổng đập hai lần vào khoảng đầu và giữa tháng âm lịch, và thuỷ hải sản thu được sẽ phơi khô hoặc cấp đông để đem ra thị trường tiêu thụ. Với kiến thức học được, Thành đã chế biến, bảo quản thuỷ sản ngay khi đánh bắt được. Chuyện chế biến con tôm tươi thành con tôm khô từ Eco Farm, được hấp từ chính nước tôm của mình và phơi trong nhà màng, nên đã giữ được hương vị ngọt đậm đà của con tôm nước lợ, và đảm bảo đúng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hình ảnh những dòng sông, con rạch bao quanh những rừng đước mênh mông ngút ngàn mọc thẳng đứng, trên là cây, dưới là các loại thuỷ hải sản tung tăng bơi lội trong dòng nước chảy cuồn cuộn, hối hả từ con nước lớn đến nước ròng. Đi dọc con sông Năm Căn chúng ta sẽ thấy có nhiều cơ sở thu mua thuỷ sản, làm tôm khô; nhưng chỉ thấy có mỗi cái nhà màng phơi tôm, và cái kho lạnh để thu mua thuỷ sản của bà con xung quanh. Và kết quả là Thành thêm một kho lạnh với sức chứa 2 tấn sản phẩm, đã xuất hiện tại vùng Ngọc Hiển, Cà Mau.

Vậy đó, một ngày ngủ lều, ngủ trên nhà sàn và hai ngày ngủ ngồi trên xe khi di chuyển từ Cà Mau – Sài Gòn (khứ hồi), chắc là chưa đủ để chia sẻ hết mọi thứ; nhưng tôi tin những bạn trẻ của chúng tôi luôn khát khao được nghe, được chia sẻ, được học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia, những bạn có kinh nghiệm khởi nghiệp đi trước.

Còn nhiều CÓ nữa, nhưng chỉ kể như vậy để thấy còn nhiều chuyện phải đi, phải đến để biết về Con Tôm Eco Homestay ở 131 ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, một kỹ sư trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, và có ứng dụng công nghệ để làm gia tăng giá trị sản phẩm của mình.