Mai vàng Yên Tử ưa phát triển ở độ cao từ 300 - 800m, tại những khu vực hiểm trở.

Điều kiện địa hình

Địa hình khu vực Yên Tử bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, phía dưới chân núi là lớp đồi xếp thoải dần theo triền Tây Bắc - Đông Nam. Phía Bắc là những vách núi dựng đứng, tạo thành bức tường tự nhiên ngăn cách Quảng Ninh với Bắc Giang, phía Tây là bờ vực với độ dốc lớn. Phía Nam của dãy Yên Tử chạy từ Đông Triều đến Uông Bí, địa hình đồi, núi thấp độ dốc trung bình 15-200, có nơi > 350.


Mai vàng tập trung ở độ cao từ 300 - 800m, ở những khu vực hiểm trở. Nó thường phân bố ở những nơi có vách đá cheo leo, gần vách đá, mặt đất thường có sỏi và đá tảng và không bị cản trở về nắng của các loại cây rừng khác. Chính sỏi đá đã giúp cho hạt mai vàng khi rơi xuống không bị rửa trôi theo nước mưa, và lớp mùn trên sỏi, đá và đá tảng đã giúp cho hạt phát triển thành cây con, gìn giữ giống mai vàng quí hiếm. Vì thế rất nhiều cây mai vàng tự nhiên khi được phát hiện có bộ rễ tơ quấn chặt vào các tảng đá.


Mai Vàng Yên Tử tự nhiên thường xuất hiện ở các vùng đất dốc và không đọng nước, có độ dốc thường vào khoảng từ 25 - 35 độ. Đa số các cây mai rừng nằm ở khu vực gần lòng khe, gần các dòng chảy. Đối với mai vàng được trồng trong khu vực dân cư, cây mai cũng được trồng trên các khu vực có độ cao 300 - 500m so với mực nước biển, độ dốc trên 15 độ.

Ảnh: Phapluatplus.
Ảnh: Phapluatplus.

Đặc điểm về địa chất, đất đai

Khu vực Yên Tử nằm trong vùng có tính chất địa chất của vòng cung Đông Triều, hình thành từ kỷ Trias đến kỷ Juda, có các loại đá mẹ chính như: đá Sa thạch, đá Sỏi sạn kết Riolit và Sa phiến thạch, hình thành nên những đặc thù riêng biệt. Bao gồm các loại đất như sau: đất feralit màu vàng, vàng sáng vùng núi thấp phát triển trên sa thạch; đất feralit màu vàng, vàng nhạt vùng đồi phát triển trên sa thạch, sạn sỏi kết; đất feralit màu vàng đỏ, đỏ vàng phát triển trên đá sa phiến thạch, riolit; và đất phù sa cổ.

Khu vực phân bố của cây Mai vàng Yên Tử thuộc các nhóm đất: Nhóm đất đỏ vàng - Acrisols và nhóm đất mùn đỏ vàng trên núi - Humic Acrisols.

Núi rừng Yên Tử giàu về tài nguyên nhưng có kiến tạo địa chất khá phức tạp hình thành nên những đặc thù riêng biệt và độc đáo, vì vậy chất lượng đất khu vực này cụ thể như sau:

Đất có thành phần cơ giới chủ yếu là thịt pha sét và cát đến cát pha sét, trong đó tỷ lệ cấp hạt sét chiếm khoảng 15 - 52%. Độ dày tầng đất thường đạt trên 100 cm. Dung trọng đạt mức trung bình, trong khoảng từ 1,16 g/cm3. Tỷ trọng trong khoảng 1,17 - 1,44 g/cm3, đặc thù cho loại đất có hàm lượng mùn cao.

Đất có phản ứng chua, pHH2O từ 4,21- 5,43 và pHKCl từ 3,32 - 5,05. Dung tích hấp thu (CEC) ở mức trung bình đến cao, dao động trong khoảng 7,02 - 16,19 meq/100g đất. Tổng cation kiềm khá, trung bình đạt 12,47 meq/100g đất.

Đất có hàm lượng cacbon hữu cơ (%OC) từ trung bình đến cao, dao động trong khoảng 1,19 - 3,80 %OC, trong đó khoảng 70% số mẫu có hàm lượng mùn cao > 2% OC.

Đạm tổng số ở mức trung bình đến giàu, khoảng 0,12 - 0,29 %N. Lân tổng số đạt mức trung bình tới khá, trung bình khoảng 0,11 %P2O5; lân dễ tiêu đạt mức trung bình đến giàu, khoảng 8,88 - 16,74 mgP2O5/100g đất. Kali tổng số đạt mức trung bình đến giàu, dao động từ 1,06 - 2,96 %K2O; Kali dễ tiêu đạt mức trung bình đến giàu, khoảng 10,03 - 35,13 mgK2O/100g đất. Đánh giá chung, đất có độ phì tầng mặt khá cao.

Tầng đất mặt khá giàu hữu cơ, thể hiện qua dung trọng tầng mặt khoảng 1,07 g/cm3, tuy nhiên các tầng đất phía dưới lại khá chặt và chứa nhiều khoáng chất và được thể hiện qua khoảng 90 % số mẫu có dung trọng > 1,6 g/cm3 và tỷ trọng > 2,6 g/cm3.

Mai vàng Yên Tử ở môi trường tự nhiên. Ảnh: Báo Giác Ngộ.
Mai vàng Yên Tử ở môi trường tự nhiên. Ảnh: Báo Giác Ngộ.

Đất vùng trồng mai vàng Yên Tử có hàm lượng mùn trên mặt khá cao, có khoảng 90% số mẫu có hàm lượng OC ở mức giàu, trung bình đạt khoảng 2,22 %OC. Đạm tổng số của tầng mặt đạt mức trung bình đến giàu, khoảng 60% số mẫu đạt mức giàu 0,20 - 0,26 %N và hàm lượng đạm giảm dần theo chiều sâu phẫu diện đất. Lân tổng số đạt mức trung bình tới giàu, trung bình khoảng 1,11 %P2O5; lân dễ tiêu đạt mức trung bình đến khá, khoảng 5,00 - 10,68 mgP2O5/100g đất. Kali tổng số đạt mức trung bình đến khá, dao động từ 0,1 - 2,15 %K2O; Kali dễ tiêu đạt mức trung bình đến giàu, khoảng 12,54 - 30,13 mgK2O/100g đất. Theo chiều sâu của phẫu diện thì hàm lượng photpho và kali giảm dần, tầng dưới cùng thường ở mức nghèo.

Đặc điểm phân tích về đất đai, thổ nhưỡng tại các khu vực trồng mai vàng cho thấy: Mai vàng Yên Tử phù hợp với nhiều loại địa hình và thổ nhưỡng khác nhau, từ đá cuội kết, sạn kết, đá tảng chồng xếp (ở độ cao trên 700m), đến các loại đất sa thạch phấn sa và diệp thạch sét (dưới 700 m). Đồng thời, so sánh với những kết quả nghiên cứu về sự phù hợp của cây mai vàng với yếu tố thổ nhưỡng (tài liệu số 04) có thể thấy rằng chưa đủ cơ sở để xác định đất đai, thổ nhưỡng ảnh hưởng đến chất lượng của hoa mai vàng Yên Tử.

Điều kiện về thủy văn

Trong vùng sinh trưởng của mai có nhiều đầu nguồn của các hệ suối chính như hệ suối Vàng Tân/suối Trâm, hệ suối Giải Oan và hệ suối Bãi Dâu, suối Tắm ....đều bắt nguồn từ núi Yên Tử. Với chiều dài các suối từ 6-8 km, trong điều kiện địa hình cao, dốc, chia cắt mạnh (độ cao tương đối của khu vực khoảng 1.000 m, điểm cao nhất là đỉnh núi Yên Tử (1.068m) và thấp nhất là cánh đồng Năm Mẫu (50m).

Các dòng suối có lưu lượng nước và cường độ dòng chảy rất lớn về mùa mưa, tuy nhiên, nhờ tỷ lệ che phủ của rừng tương đối cao (khu vực rừng Quốc Gia Yên Tử hiện nay có tỷ lệ che phủ từ 0,6- 0,8), đã cơ bản điều tiết được hệ sinh thủy, và dòng chảy của các con suối. Do đó, các suối đều có nước quanh năm, tạo nguồn nước dồi dào không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất nông, lâm nghiệp và sinh hoạt của nhân dân mà còn tạo ra nhiều cảnh quan kỳ thú như: thác Vàng, thác Bạc, thác Ngự Dội...mặt khác còn góp phần tạo ra một kiểu khí hậu đặc trưng cho vùng, (khí hậu luôn được điều hòa, ở độ cao trên 500 m thường xuất hiện mây mù, độ ẩm cao và ổn định, đất có khả năng giữ nước tốt...), phù hợp với yêu cầu sinh trưởng của cây mai vàng Yên Tử.