Hiện nay người nuôi cá lóc ở đồng bằng sông Cửu Long phải chịu lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

KHPT-Giá cá lóc ở mức thấp trong thời gian dài đã làm người nuôi cá lóc ở đồng bằng sông Cửu Long thua lỗ nặng. Nhiều hộ treo ao không thả nuôi nữa, có hộ chuyển sang nuôi các đối tượng cá khác.

Gia đình ông Trần Văn Tưa ở thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú - Trà Vinh có 3 ao thả nuôi cá lóc thâm canh với diện tích 2.400 m2 mặt nước. Vụ cá mới đây, ông thả nuôi với mật độ 40 con/m2, sau 6 tháng thả nuôi, gia đình thu hoạch bán 30 tấn cá vào cuối tháng 2/2017 và bán chỉ được giá 23.000 đồng/kg, lỗ khoảng 200 triệu đồng. Theo tính toán của ông Tưa, giá thức ăn dao động trong khoảng 500.000 - 530.000 đồng/bao (25 kg/bao). Để nuôi cá đến khi thu hoạch người dân cần khoảng 1,3 kg thức ăn/1 kg cá thương phẩm. Tính toán thêm giống, chi phí thuốc, điện,... giá thành mỗi kg cá lóc người dân phải đầu tư không dưới 32.000 đồng (chưa tính nhân công).

Còn gia đình anh Trang Thanh Vũ, ở xã Định An, huyện Trà Cú vừa thu hoạch cá lóc vào tháng trước, giá cá thương phẩm cũng chỉ 24.000 đồng/kg. Ao nuôi 1.000 m2 của gia đình cho thu hoạch 17 tấn cá thương phẩm. Sau thời gian mấy tháng trời cho ăn cầm chừng chờ giá, gia đình anh thua lỗ khoảng 150 triệu đồng. “Hiện nay, các bệnh cá lóc thường mắc phải như: nấm, gan hay bị mủ, bà con đều có thể kiểm soát và điều trị để có những vụ mùa thành công. Nhưng “căn bệnh” giá thấp thì chắc chắn người dân phải thua lỗ”, anh Vũ nói.

Trước thực trạng này, nhiều hộ dân nuôi cá lóc tại huyện Trà Cú cụt vốn, không có tiền đầu tư. Một bộ phận khác chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc nuôi cá tra. Chính quyền địa phương huyện này cũng khuyến cáo người dân không nên tiếp tục thả nuôi cá lóc mà chuyển qua các đối tượng khác nuôi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Huỳnh Văn Thảo, trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, sản lượng thu hoạch cá lóc của huyện đạt 2.800 tấn. Bà con đều phải bán dưới giá thành, nên thua lỗ khá nặng. Trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 280 hộ dân thả nuôi cá lóc, giảm hơn 50% so với trước đây. Tình hình vẫn chưa có gì khả quan nên chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tiếp tục thả nuôi. Để tái cơ cấu ngành thủy sản của huyện, chúng tôi đang nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá bông lau tại địa phương nhằm giúp người dân chuyển đổi hiệu quả hơn”.

Huyện Hồng Ngự và Tam Nông (Đồng Tháp) là hai địa phương nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh và hiện người dân đang chịu thua lỗ đậm vì giá thu mua giảm. Ông Trần Văn Thơm, ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự nuôi cá lóc gần 10 năm cho biết: “Mấy năm trước nuôi cá lóc có lãi, nhưng từ tết đến nay giá cá liên tục giảm, vụ này gia đình nuôi trong ao 500 m2 mặt nước sau khi thu hoạch bán lỗ gần 60 triệu đồng”.

Ông Thơm cho biết, đầu năm 2016, giá cá lóc hơn 40.000 đồng/kg nhưng hiện giá cá thương lái mua dưới giá thành đầu tư cho 1 kg cá là 4.000 đồng. Trong khi đó, giá thức ăn vẫn cao, chi phí nuôi 1 kg cá lóc thương phẩm khoảng 32.000 đồng nhưng lại chỉ bán được 23.000 - 24.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi thua lỗ khoảng 4.000 đồng/kg, chưa kể tiền thuê ao nuôi. Trong khi đó, nuôi cá lóc mất 6 - 7 tháng mới cho thu hoạch.