Một trái bưởi thông thường có giá vài chục ngàn đồng, đến hàng trăm ngàn đã là nhiều lắm, nhưng bưởi ông Thành có giá tới trên 1 triệu đồng. Ấy vậy mà tết nào cũng “cháy hàng”. Ông bán đắt không phải vì muốn “cắt cổ” khách hàng, mà bởi để tạo ra nó cũng lắm kỳ công.

Làm giáo viên nghèo quá, về trồng bưởi

“Xé lòng” cắt những trái bưởi còn non để đem ra Hà Nội trưng bày ở Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015, ông nông dân Võ Trung Thành (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) ngậm ngùi: “Phải cắt chúng khi còn non cũng tiếc lắm, nhưng tôi muốn quảng bá sản phẩm của mình cho bà con cô bác gần xa biết tới”.

Trong suốt mấy ngày diễn ra hội chợ, tôi đặc biệt ấn tượng với ông bởi gần như ông không đi đâu khỏi gian hàng trưng bày của mình. Bất cứ có khách nào ghé thăm, ông lại nhiệt tình giới thiệu về những trái bưởi “chẳng giống ai” của mình. Tôi ghé vào trò chuyện với ông, xin số điện thoại, hỏi tên, ông bảo cứ lưu là Thành “hồ lô”.

Năm 2008, sản phẩm bưởi hồ lô lần đầu tiên xuất hiện khiến không ít người tò mò, nhưng phải đến hai năm sau thì bưởi hồ lô mới chính thức có mặt trên thị trường. Ông kể về những ngày chập chững bén duyên với bưởi: “Hồi trước tui là giáo viên tiểu học, không đủ sống nên về quê trồng bưởi năm roi. Một bữa nằm võng coi tivi, thấy chiếu phim Tây Du ký, các nhân vật đeo trái hồ lô, trên nhỏ dưới to, tự dưng nảy ra ý ép bưởi năm roi thành hình dáng hồ lô. Sau đó mấy hôm, vô tình thấy một trái bưởi bị kẹt giữa hai nhánh cây, đoạn giữa trái bị ép nhỏ nhưng hai đầu phình to. Tôi hái trái bưởi này, xẻ ra thì thấy ruột bưởi vẫn bình thường. Từ đó, tôi càng nung nấu ý định làm bưởi hồ lô. Đầu tiên, tôi dùng ống hút bằng nhựa buộc ngang 1/3 thân trái bưởi, hy vọng khi lớn nó sẽ có ngấn thành hình hồ lô, nhưng thất bại. Tôi dùng dây kẽm cũng không thành công. Suốt mấy năm trời, tôi mày mò làm ra một cái khuôn ép trái bưởi ra dáng hồ lô để bán vào dịp tết, cuối cùng thì thành công nhưng tỉ lệ thành công chỉ dưới 20%”.

Ông Thành cho biết, để làm ra trái bưởi có tạo hình phải rất kỳ công. Từ khâu bưởi ra hoa, phải làm sao bộ lá của nó cũng phải thẳng đứng, đẹp. Khó nhất là khâu tạo hình, định hình quả. Khi quả được khoảng 1,5 đến 2 tháng kể từ ngày đỗ nhụy thì tiến hành định hình. Sau đó, dùng dây xé (mua ở hàng bán thiết bị may mặc, có một mặt nhung, một mặt gai) để cuốn quanh trái bưởi, đồng thời lấy cuộn dây thép cố định lại. Chờ khoảng 3-4 tuần thì cho bưởi vào khuôn. Khi bưởi đã “có eo” thì vô khuôn nhựa đã sản xuất từ trước, ốp vào trái bưởi và cố định lại.

Công đoạn cuối là chăm sóc. Cách chăm sóc cũng giống như bưởi thương phẩm bình thường, chỉ khác là phải thường xuyên theo dõi xem có nắng chiếu trực tiếp vào trái không. Nếu có thì nắng sẽ làm hư sản phẩm, phải che lại. Còn lại phân bón, thuốc đều giống như bưởi bình thường.
Ông Thành bưởi với “sáng chế”  tại Techmart 2015.Ảnh: Thuỷ Anh
Ông Thành bưởi với “sáng chế” tại Techmart 2015.Ảnh: Thuỷ Anh

Bưởi tiền triệu vẫn “cháy hàng”

Tết năm 2009, ông đem 148 trái bưởi hồ lô đầu tiên ra chào hàng. Tưởng bán cho vui thôi, ai ngờ khách mua nườm nượp, dù giá 2-3 triệu đồng/cặp. Thành công này cho ông động lực để tiếp tục cải tiến, đến khi ông hoàn thành khuôn nhựa ép trái bưởi, tỉ lệ thành công cao đến 80% thì “sự nghiệp trồng bưởi” của ông thực sự bắt đầu. Để làm việc chuyên nghiệp, năm 2012 ông xin cấp bằng độc quyền về nhãn hiệu bưởi hồ lô. Ông cho biết, nhiều người thấy ông “phất” nhanh cũng làm theo, nhưng đa phần thất bại. Sau đó, những trái bưởi lạ liên tiếp ra đời. Sản phẩm bưởi cát tường (bưởi bàn tay phật) được ông phối hợp với một công ty ở Hà Nội đã thành công.

“Muốn làm bưởi bàn tay phật, trước hết nhà vườn phải nắm bắt được các yếu tố về kỹ thuật chăm sóc bưởi cho đến tạo hình trên bề mặt của quả. Nếu làm bưởi bán ngay vào dịp tết, thì từ tháng 8, khi quả bưởi non mới bằng cùm tay là chọn ngay những trái bưởi khỏe, mau lớn, da bóng cho vào khuôn. Khi bưởi vào khuôn phải có giấy che đậy kín cuống, không cho nước mưa và hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào quả bưởi. Làm bưởi hình bàn tay phật nếu chỉ để chưng thì chỉ mất khoảng 2 đến 2,5 tháng, nhưng trái muốn ăn được phải mất từ 5-6 tháng” - ông Thành cho biết.

“Mỗi khi thiết kế ra mẫu mới phải nghiên cứu, thử nghiệm mới đưa vào sản xuất. Năm nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời bắt kịp với các vấn đề được xã hội quan tâm, tôi nghiên cứu sản xuất ra giống bưởi bản đồ. Tết 2016, tôi dự tính sẽ tung ra thị trường bưởi bản đồ Việt Nam, trên đó in hình đầy đủ bản đồ gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mẫu mới này có tỉ lệ thành công khoảng 30%, hiện ông đang chăm sóc khoảng 500 trái. Tất cả các loại bưởi tạo hình được tôi sử dụng là giống bưởi năm roi không hạt ở Hậu Giang” - ông Thành chia sẻ.

Bưởi hồ lô của ông có giá bán từ 500.000 – 800.000 đồng/quả. Bưởi bản đồ được ông tung ra vào tết này dự kiến 1.400.000 đồng/quả. Ông cho rằng, mức giá này không đắt, bởi đây là tác phẩm nghệ thuật. Hơn nữa, tỷ lệ thành công của bưởi rất thấp nên giá thành phải cao. Rất nhiều trái khi được bó vào khuôn rồi thì không lớn hoặc chậm lớn, hay bị côn trùng, mầm bệnh vi khuẩn trong khuôn phá hoại làm hư hỏng. Mỗi cây chỉ chọn được khoảng 20 trái trở xuống, có cây không chọn được trái nào.

Trông mưa, trông nắng…

Tôi hỏi, giờ không phải lo nhiều về kinh tế nữa thì điều ông lo lắng nhất là gì? Ông ngậm ngùi, lo nhất là sức khỏe “ông Trời”: “Ông ấy mà ốm bệnh là tui cũng ốm theo đó cô. Mà gần đây ổng già yếu hay sao ấy, đau ốm liên miên, tính khí thất thường lắm”. Thời tiết năm nay quá thất thường đã gây khó cho các nhà vườn làm bưởi, gây khó cho ông. Sản phẩm chất lượng thấp, tỉ lệ thành công thấp, đầu tư của nhà vườn cũng sụt giảm theo. “Vì vậy, tôi chỉ cầu mong sao cho sức khỏe của ông Trời luôn tốt là mình cũng khỏe, chỉ làm thôi, không phải lo lắng, thấp thỏm nữa”.

Hẳn là khách hàng bỏ tiền triệu ra mua một trái bưởi, không chỉ là để ăn. Ông rất hiểu điều đó, nhưng không vì thế mà chỉ tập trung vào hình thức, quên đi chất lượng bên trong. Các loại bưởi được tạo hình có chất lượng thơm ngon hơn bưởi thông thường, để được lâu hơn.
Bưởi có thể dùng để bày khoảng hai tháng, sau đó mới sử dụng mà vẫn thơm ngon. Giống bưởi Năm Roi có đặc tính để càng lâu ăn càng ngọt, bởi thời gian sinh trưởng, thu hoạch của những trái bưởi này đều rất đặc thù, không giống những sản phẩm bưởi thông thường mà theo một quy trình vô cùng khắt khe.

Năm nào cũng thế, khoảng 20 tháng chạp là vườn của ông lại tấp nập khách hàng về thu hái. Năm 2014, ông có trên 10 nghìn trái bưởi tạo hình được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, đây không phải là tiền túi của ông mà là công sức của nhiều chủ vườn trong các khâu chăm sóc. Loại 1 có trọng lượng 1,4kg trở lên, loại 2 là từ 1,2-1,4kg, còn lại là loại 3. Bình quân mỗi trái khoảng 600.000 đồng.

Ông mong muốn sản phẩm của mình không chỉ dừng lại ở trong nước mà vươn ra khắp thế giới, để thương hiệu ông nông dân “Thành bưởi” sẽ làm rạng danh cho những người nông dân yêu thích sáng tạo.

“Sáng chế” bưởi Năm Roi hồ lô giờ không còn là “tài sản riêng” của “kỹ sư chân đất” Võ Trung Thành. Những nông dân thích đi tìm cái mới trong sản xuất nông nghiệp đã đến ông Thành. Anh không giấu giếm, sẵn sàng “truyền nghề” cho họ. Thế là “tổ sản xuất bưởi hồ lô” ra đời với 13 thành viên (giờ là 23). Tổ nằm trong câu lạc bộ khuyến nông ấp Phú Trí A; hoạt động với nội quy, quy chế chặt chẽ…