Dù nhiều địa phương như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa… đã ứng dụng sản phẩm lò đốt rác thải của nhà sáng chế Trịnh Đình Năng, song nếu được đầu tư và mở rộng sản xuất, chắc chắn giá thành sản phẩm này sẽ hạ hơn rất nhiều.
Từ rác y tế đến rác sinh hoạt… xử hết
Tại gian hàng giới thiệu sản phẩm ở Chợ Thiết bị và Công nghệ quốc tế Việt Nam 2015, ngoài sản phẩm nghệ curcumin, ông Trịnh Đình Năng còn giới thiệu công nghệ lò đốt rác thải và được nhiều người quan tâm.
Là người Bắc Kạn, có bố là bác sĩ nên ông Năng luôn quan tâm tới lĩnh vực rác thải y tế. Nghĩ rằng chỉ có thể hạn chế ảnh hưởng không tốt từ hàng trăm tấn rác thải y tế bệnh viện bằng cách xử lý sớm với thiết bị chuyên dụng, ông đã nghiên cứu viết đề án và tự mày mò chế tạo lò đốt rác thải y tế.
Năm 2009, ông Năng đã nghiên cứu thành công và gửi đăng ký sáng chế “Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại” tới Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và đến năm 2012 thì được cấp bằng sáng chế độc quyền cho đề án này.
Lò đốt chất rắn rác thải y tế nguy hại của ông là một hệ thống thiết bị lò, gồm: Đầu đốt đồng bộ, thực hiện đốt liên hoàn không gián đoạn, kết hợp với thiết bị công đoạn thiêu đốt là công nghệ nano khép kín, phân hủy triệt để khói, bụi, mùi độc hại. Sản phẩm này cũng có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Trịnh Đình Năng khẳng định: Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh có thể vận chuyển được, chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và có thể xử lý môi trường nước.
Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống này. Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào. Tại trung tâm của lò đốt, nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C.
Thời gian đốt cũng rất nhanh. Tuổi thọ của đầu đốt có độ bền cao và không có sự cố kỹ thuật hay tắc đường dẫn dầu.
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, lò đốt do ông Trịnh Đình Năng sáng chế là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm trên 80% nhiên liệu đốt so với lò nhập ngoại. Nếu đốt bằng dầu diesel chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải và 2.000 đồng/kg khi đốt bằng dầu thải. Trong khi đó, các loại lò của Mỹ, Nhật Bản, Anh hiện nay, phải chi phí từ 70.000-80.000 đồng/kg rác thải. Lĩnh vực áp dụng của lò đốt cũng khá rộng, không chỉ trong y tế mà còn sử dụng được trong môi trường, sinh hoạt.
Ông Đỗ Tuấn Khiêm - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn - đánh giá: “Hệ thống xử lý rác thải do ông Năng sáng chế phù hợp với những cơ sở có lưu lượng rác vừa phải, đã áp dụng được những công nghệ tiên tiến, hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm nhiên liệu. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để hạn chế giá thành cho sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường”.
Khó nhân rộng
Chia sẻ thật về thành quả nghiên cứu, ông Năng cho biết dù được nhiều địa phương đánh giá cao nhưng lò đốt rác thải này không phải địa phương nào cũng vui vẻ ứng dụng.
Ông Năng kể, từng đi giới thiệu ở Cao Bằng, họ rất thích nhưng lại không có tiền đầu tư, đến tỉnh khác giới thiệu thì nói là chưa nơi nào làm nên không dám đầu tư.
“Một công nghệ mới, tiến bộ mà chờ nơi nào làm để làm theo thì khó và chính vì thế họ hay theo nhau nhập công nghệ nước ngoài (kể cả công nghệ lạc hậu) là như vậy”- ông Năng chua xót.
Ông cho biết, hiện có nhiều địa phương đã nhập lò đốt rác thải y tế của nước ngoài về, dù giá cao nhưng lại không phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên đành “đắp chiếu” thậm chí vận hành còn có thể gây ra độc hại.
“Rác ở nước ngoài được phân loại tại nguồn nên khi đưa vào đốt không cần phân loại, vì thế lò đốt họ sản xuất ra là theo tiêu chí rác đã được phân loại. Còn rác ở Việt Nam là hổ lốn, nên khi đưa ngay vào xử lý chắc chắn sẽ không đảm bảo điều kiện môi trường” - ông Năng phân tích.
Ông Năng cho rằng, do cơ chế cũng như trách nhiệm không quy định rõ ràng mới dẫn đến chuyện nhiều nơi nhập công nghệ về dù chi phí cao, nhưng không đưa vào sử dụng cũng chẳng làm sao.
Từng đánh giá cao sản phẩm lò đốt rác của nhà sáng chế Trịnh Đình Năng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, nếu như hằng năm áp dụng cơ chế đấu thầu công khai, cạnh tranh sòng phẳng để đơn vị nào trúng thầu sẽ tập trung đầu tư để sản xuất hàng loạt thì chắc chắn sẽ có sản phẩm nghiên cứu trong nước được ứng dụng rộng rãi mà giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo.
“Sản phẩm phải có thị trường, nếu không doanh nghiệp Việt hay nhà sáng chế sẽ chán, mặc dù là tốt. Phải xây dựng được chính sách mua sắm công tập trung để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội; tức là sẽ đấu thầu công khai. Ví dụ như cần một lò đốt rác y tế với những thông số công suất, tiêu hao nhiên liệu, vận hành, giá, chất lượng đầu ra, ai đáp ứng thì nộp hồ sơ và có hội đồng chấm thầu. Nếu thắng thầu thì Chính phủ sẽ quyết định, đơn vị nào dùng ngân sách nhà nước để mua thì phải mua của đơn vị đã trúng thầu. Với giá đấu thầu - chẳng hạn 1,5 tỉ đồng - là đúng giá đó và không được tự tiện tăng giá. Nếu một năm có 100 bệnh viện mua lò đốt rác thì nhà sáng chế hay doanh nghiệp sẽ dám đầu tư vay ngân hàng xây dựng nhà máy và chỉ cần bán được 100 lò thì họ hòa vốn. Năm sau lại đấu thầu tiếp, ai hơn thì thắng. Chỉ khi có đầu ra thì mới thành doanh nghiệp lớn, còn như hiện nay vẫn chỉ là sản xuất thủ công và khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài có mẫu mã đẹp” - Bộ trưởng Nguyễn Quân có ý kiến nhằm giải quyết tình trạng “đắp chiếu” sáng chế hữu ích. |