Trong 25 năm, chương trình Vườn ươm sáng tạo KHCN trẻ TPHCM đã triển khai hơn 400 đề tài nghiên cứu, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tiễn.

Chương trình Vườn ươm sáng tạo KHCN trẻ TPHCM được triển khai từ năm 1996, dành cho các nhà khoa học, sinh viên dưới 35 tuổi nhằm mục đích khuyến khích, phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ trong nghiên cứu khoa học.

Qua 25 năm, Chương trình đã tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ đăng kí từ các giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ trẻ của 70 trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố. Chương trình đã hỗ trợ kinh phí thực hiện cho hơn 400 nhiệm vụ, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Trong đó, nhiều kết quả nghiên đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống như “Nghiên cứu hệ thống xử lý nước cấp cho những vùng thiên tai” của TS Nguyễn Thị Thủy, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM; “Nghiên cứu chế tạo phòng thí nghiệm trên chip (lab-on-a-chip) với giá thành thấp giúp thực hiện phản ứng LAMP khuếch đại ADN tại chỗ ứng dụng trong xét nghiệm nhanh các bệnh truyền nhiễm phổ biến tại Việt Nam” của KS Nguyễn Hoàng Tuấn, Trường Đại học Quốc tế TPHCM; “Thiết kế mô hình tổ chức hoạt động trải nghiệm khoa học ngoài giờ lên lớp để phát triển kỹ năng sống cho học sinh tiểu học” của ThS Nguyễn Văn Hiến, Trường Đại học Sư phạm TPHCM; “Nghiên cứu thiết kế mô hình Robot lặn có khả năng khảo sát ngầm và lấy mẫu nước phục vụ quan trắc môi trường” của TS Trần Ngọc Huy, Trường Đại học Bách khoa TPHCM; “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo buồng khử khuẩn” của ThS Tống Nhựt Phương, Trường Đại học Bách khoa TPHCM;…

r
Robot lặn khảo sát ngầm và lấy mẫu nước phục vụ quan trắc môi trường. Ảnh: NNC

Ngoài ra, hầu hết các đề tài của Vườn ươm đều có giá trị tham khảo để xây dựng quy trình quản lý, sản xuất. Kết quả của nhiều đề tài đã được xuất bản như từ đề tài “Khảo sát thành phần loài và xây dựng bộ sưu tập mẫu các loài cây thân gỗ trên hệ sinh thái gò đồi thuộc huyện Củ Chi, TPHCM” và “Điều tra, đánh giá và xây dựng bộ sưu tập cây thuốc huyện Củ Chi, TPHCM” đã được in thành sách tham khảo; đề tài “Thiết kế mô hình vật lý điều khiển Robot không dây và phát triển một số modul thu thập dữ liệu”, “Nghiên cứu tác dụng dược lý của phân đoạn cây hà thủ ô trắng (Streptocaulon Turentas Asclepiadaceae) phối hợp với hà thủ ô đỏ trong điều trị Cholesterol huyết” được in thành tài liệu giảng dạy...

b
Buồng khử khuẩn có thể ứng dụng trong phòng chống COVID-19. Ảnh: NNC

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài có xu hướng chú ý đến sự phát triển của thanh thiếu niên thành phố, góp phần xây dựng cơ sở lý luận giúp định hướng tổ chức các hoạt động cho đối tượng thanh thiếu nhi của tổ chức đoàn hội. Một số đề tài có thể kể đến như: Tác động của truyền thông đại chúng đến đời sống sinh viên TP.HCM hiện nay; Xây dựng tiêu chí tác động của các chương trình truyền thông tiết kiệm năng lượng đối với thanh niên tại TP.HCM; Tìm hiểu kỹ năng xã hội và khả năng thích ứng các kỹ năng đó của học sinh tiểu học trong nhà trường tại TP.HCM;…

Các kết quả trên của Vườn ươm được công bố tại hội nghị tổng kết do Sở KH&CN TPHCM phối hợp với Thành đoàn TP HCM tổ chức ngày 16/12.