Tuy đã được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể nhưng chuối tiêu hồng Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn chưa phát triển bền vững, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu không tìm đủ nguồn cung, thì sản phẩm bán ở thị trường nội địa lại chưa đắt hàng.

Ông Nguyễn Văn Đạt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu - cho biết, nhãn hiệu tập thể “Chuối tiêu hồng Khoái Châu” đã được cấp hơn một năm. Việc bảo hộ nhãn hiệu tạo thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh chuối liên kết sản xuất chuối chất lượng cao, đáp ứng về số lượng cho thị trường nội địa và mở ra hướng xuất khẩu ổn định. Tuy nhiên, những ưu thế này chưa được tận dụng triệt để.

Ông Phạm Năng Thành (áo đen, ở giữa) đang giới thiệu sản phẩm chuối tiêu hồng 3T.
Ảnh: Lê Loan

Là một trong những trang trại đầu tiên ở Khoái Châu được cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng cấy mô, hạn chế thuốc trừ sâu, hằng năm ông Phạm Năng Thành cung cấp khoảng 150 tấn chuối, năng suất bình quân 40-50 tấn/ha. Ông đã đăng ký thương hiệu riêng là “Chuối 3T” và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. “Thương lái Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Arập... đã về nhà tôi đặt mua với số lượng lớn” - ông Thành nói và cho biết chưa có nhiều hộ trồng chuối đạt được điều này bởi còn nhiều khó khăn.

“Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất để phát triển bền vững ngành chuối Việt Nam nói chung và huyện Khoái Châu nói riêng chưa được đề cao. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế” - ông Thành chia sẻ.

“Diện tích trồng chuối chưa tập trung với quy mô chuyên nghiệp và công nghiệp. Người dân chủ yếu trồng trên diện tích nhỏ lẻ. Việc quản lý chất lượng chưa hiệu quả nên sản phẩm không xuất được sang các nước khó tính, chỉ bán trôi nổi nên giá trị kinh tế thấp, thậm chí có lúc không bán được”. Do đó, các doanh nghiệp thu mua chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không gom đủ hàng, còn các trang trại có muốn hội nhập thì lại không có nguồn vốn để mở rộng sản xuất.

Ông Phạm Năng Thành kiến nghị tỉnh và các ngành liên quan cần hỗ trợ phát triển cây chuối bằng cách nâng cao nhận thức mọi mặt cho người nông dân, nhất là về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực quản lý sản xuất để sản phẩm đồng đều về chất lượng; nâng cao sự am hiểu về pháp luật và kinh tế thị trường. Cần tập trung các nguồn lực đầu tư về nông nghiệp, quy hoạch vùng trồng, tập trung cho kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm cho vùng trồng chuối; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các tổ hợp tác, các hợp tác xã kiểu mới sản xuất, kinh doanh, chế biến chuối.

Các cơ quan chuyên môn của huyện cần phối hợp chặt chẽ với UBND các xã để kiểm tra, giám sát thường xuyên các hộ trong vùng trồng chuối được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể về việc thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý, sử dụng tem nhãn, bao bì, thực hiện tốt quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng...