Nhãn hiệu tập thể “Gà Đông Tảo” được cấp năm 2015. Đến nay, toàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên có khoảng 1.500 hộ nuôi với trên 300.000 con gà giống, gà thịt. Trong đó, khoảng 50 hộ chăn nuôi với quy mô trang trại lớn có thu nhập từ 1-3 tỷ đồng mỗi năm.
Đàn gà Đông Tảo của gia đình ông Giang Tuấn Vũ (thôn Trung Đình, xã Đông Tảo).
Ảnh: Loan Lê
Ông Thắng cho biết: “Sau khi đón nhãn hiệu tập thể, bà con xác định bằng mọi giá phải giữ nguồn gene, tạo phương thức chăn nuôi mới, giảm tỷ lệ cận huyết; khi được thị trường tin dùng sẽ tập trung cải tiến nuôi theo quy trình chuẩn để tăng sản lượng, giảm giá thành”. Tuy nhiên, hiện có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc phát triển thương hiệu, điển hình là việc các hộ chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong bảo tồn nguồn gene, đầu tư quy trình chăm sóc và vệ sinh phòng dịch nên chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo.
“Việc quảng bá, xúc tiến thương mại còn đơn điệu, mang tính cá nhân, mạnh ai nấy làm. Sản phẩm được bán nhiều qua mạng xã hội, không được kiểm soát về nội dung quảng cáo và chất lượng sản phẩm, nhiều website quảng cáo gà Đông Tảo nhưng trà trộn bán loại gà khác nên uy tín của gà Đông Tảo chưa được bảo vệ.
Ngoài ra, tình trạng tùy tiện làm biến dạng logo của nhãn hiệu tập thể “Gà Đông Tảo” cũng diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho việc quản lý, phát triển nhãn hiệu” - ông Thắng chia sẻ. Ông lo ngại tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, nuôi theo kinh nghiệm, tập quán sẽ khiến tỷ lệ cận huyết cao, giảm chất lượng sản phẩm, tăng nguy cơ dịch bệnh.
Đại diện cho các thành viên của hội, ông Thắng đề nghị tỉnh Hưng Yên và các ban, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tiến tới đưa gà Đông Tảo ra toàn cầu. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, có chế tài xử lý các đơn vị sử dụng trái phép nhãn hiệu, logo gà Đông Tảo.
Để bà con mở rộng vùng chăn nuôi, đảm bảo sản xuất theo mô hình VietGAP, ông Thắng kiến nghị địa phương và các ban, ngành hỗ trợ vốn, kỹ thuật để xây dựng xưởng, khu chăn nuôi và sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua các kênh như siêu thị, xuất khẩu.
“Tôi cũng hy vọng các cơ quan, ban ngành hỗ trợ để có khu chăn nuôi, nghiên cứu và bảo tồn quỹ gene gà Đông Tảo thuần chủng đặt tại xã Đông Tảo, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu giám sát” - ông Thắng nói.