Dược liệu quý chữa ung thư
“Vài năm trước, ở Thái Nguyên có một giáo viên bị ung thư đại tràng, bệnh viện trả về nhưng đến nay cô ấy vẫn khỏe mạnh, đi dạy bình thường. Cô chia sẻ mỗi ngày chỉ uống 2-3 chén chè búp tím mà không dùng bất kỳ loại thuốc nào” - tiến sỹ (TS) Dương Trung Dũng - Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, chủ nhiệm đề tài “Khai thác và phát triển cây chè trung du búp tím” - kể.
Ông cho biết, lâu nay bà con các tỉnh trung du thường đun chè búp tím để tắm cho trẻ sơ sinh và rửa vết thương cho phụ nữ mới sinh. Chè trung du búp tím có từ lâu đời, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên, là một trong hai biến chủng của giống chè trung du nên phát triển ổn định, có khả năng thích nghi với đất nghèo dinh dưỡng của vùng đồi, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, sâu bệnh...
Theo TS Dũng, chè búp tím trung du có 43 biến thể khác nhau như: Tím lá, tím búp, cuống tím lá xanh, cả cuống và lá đều tím, tím phớt hồng, tím tía, tím đen nhưng búp nhỏ mỏng, tím đen nhưng búp to mập đốt ngắn...
“Chè búp tím trung du Phú Thọ có đặc điểm riêng là lá chè nhỏ, mỏng, thuôn dài, lá và búp màu tím, mặt trên của lá tím nhạt, sau chuyển thành xanh, mặt dưới tím đậm”- ông Trần Xuân Hoàng - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện Khoa học nông nghiệp miền núi Phía Bắc - nói.
Ông Dũng cho biết: “Khi phân tích thành phần hóa học, chúng tôi nhận thấy hàm lượng catechin trong chè tím cao hơn nhiều so với chè xanh. Đây là chất có tác dụng ngăn ngừa, đào thải, kìm hãm chất gây ưng thư, giảm kích thước khối u, chống phóng xạ”. Ngoài ra, chè búp tím còn giàu vitamin C - giúp tăng cường đề kháng, chống ôxy hóa và các gốc tự do, vitamin B - thúc đẩy quá trình trao đổi carbonhydrate, vitamin E - chống ôxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa...
Ngoài nét đặc biệt về màu sắc, chè búp tím còn có hương vị đặc trưng là hơi tanh vì chứa kháng sinh và hơi đắng như thuốc nam.
TS Dũng cho biết, chè búp tím có giá bán khá cao. Trong khi chè trung du loại thường có giá 60.000-70.000 đồng/kg, loại ngon giá 100.000-120.000 đồng/kg thì chè búp tím có giá khoảng 500.000 đồng/kg đối với chè Thái Nguyên và 800.000 đồng/kg với chè Phú Thọ và luôn tiêu thụ hết.
Dân bỏ chè tím, trồng chè lai
Mặc dù có giá trị kinh tế và sử dụng cao nhưng hiện nay diện tích trồng chè búp tím ở Phú Thọ còn lại rất ít. Ông Hoàng cho biết, hiện nay Phú Thọ có 4.747ha chè trung du, chiếm 28,6% diện tích chè toàn tỉnh. Trong đó, chè búp tím chỉ chiếm 30-50ha, phân bố chủ yếu ở xã Thái Ninh, Hanh Cù của huyện Thanh Ba và diện tích trồng không tập trung.
Nhiều cây chè tím cổ thụ bị bứng gốc làm cây cảnh, nhiều diện tích chè búp tím mới trồng bị chặt bỏ để thay thế bằng các giống chè lai hay cây trồng khác.
Lý giải điều này, ông Hoàng cho biết, chè búp tím chủ yếu được trồng bằng hạt nên năng suất và chất lượng chưa ổn định. Năng suất trung bình là 5-6 tấn/ha - thấp hơn rất nhiều so với mức 8-12 tấn/ha của các giống chè mới như LDP1, LDP2, Kim Tuyên... Mặt khác, việc canh tác và chế biến của người dân địa phương vẫn theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ nên sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao.
Ông Nguyễn Khang Ninh - một người dân trồng chè ở xã Hanh Cù - cho biết gia đình ông có 5ha trồng chè, nhưng chỉ có 6 cây chè búp tím do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp miền núi Phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - PV) gửi trồng để làm cây đầu dòng và vài cây khác vốn có từ trước.
Chè búp tím được gia đình ông thu hái cùng với các loại chè khác để bán cho các nhà máy chè, không có nhu cầu tách riêng từng loại. “Mới đây, gia đình tôi đã phá mấy sào chè búp tím để trồng loại chè khác cho năng suất cao hơn. Thực tế, dân địa phương chúng tôi không có nhu cầu trồng loại chè này” - ông Ninh thẳng thắn.
Ngoài yếu tố năng suất - theo TS Dũng, còn một nguyên nhân nữa khiến giống chè này không được phát triển là màu sắc của nước chè. “Nói đến chè, mọi người thường nghĩ nước pha ra phải xanh, trong khi nước chè búp tím lại có màu đỏ, không bắt mắt, người tiêu dùng không chấp nhận nên chỉ một số hộ gia đình còn đất vẫn lưu lại trồng và bán chứ không mở rộng được”.
Để giữ và phát triển giống chè quý hiếm này, ông Hoàng đề xuất hướng nghiên cứu chiết tách các thành phần hóa học trong chè búp tím để cung cấp cho các công ty làm thực phẩm chức năng. “Tuy nhiên, việc tìm đầu ra như thế nào cho cây chè búp tím vẫn là bài toán khó” - ông Hoàng nói.