Mục tiêu của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Phú Thọ trong thời gian tới là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể về phát triển công nghệ cao tại địa phương.

Ông Trương Quốc Chính - Phó Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ - cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, như tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt từ 5-8%, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Mô hình ứng dụng kỹ thuật cải tạo chất lượng đàn bò tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông.
Ảnh: Hoàng Dung

Cũng theo ông Chính, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp như TH True Milk, Hòa Phát, Vingroup khảo sát để xây dựng một số vùng sản xuất cây dược liệu, rau an toàn, quả có múi theo công nghệ nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. “Trên cơ sở nhu cầu doanh nghiệp và định hướng đầu tư, tỉnh sẽ có giải pháp đáp ứng nhu cầu đó” - ông Chính nói.

Thời gian qua, thông qua chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, nhiều dự án đã được triển khai tại Phú Thọ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương.


Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật còn giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, sử dụng hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho một bộ phận dân cư vùng nông thôn, miền núi. Thông qua các dự án này, nhiều dây chuyền máy móc, thiết bị phục vụ vận hành mô hình sơ chế và bảo quản các loại nấm, viên đốt biomass... đã được đầu tư tại nhiều huyện của Phú Thọ.

Phú Thọ cũng đã xây dựng thành công các mô hình: Nhân giống khoai tây bằng công nghệ khí canh, sản xuất khoai tây siêu nguyên chủng trong nhà màng, sản xuất củ khoai tây giống nguyên chủng, sản xuất củ giống khoai tây xác nhận và mô hình bảo quản lạnh giống khoai tây. Thông qua dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ tiên tiến để cải tạo chất lượng đàn bò và trồng cỏ nuôi bò trên địa bàn huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ”, đã có 3 mô hình nuôi bò tập trung và mô hình trồng cỏ thâm canh...

Tuy nhiên ông Chính cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Phú Thọ cần có quy hoạch cụ thể. Hiện các ngành vẫn phụ thuộc vào quy hoạch địa phương, trong khi địa phương chưa có quy hoạch về công nghệ cao. Do đó, trước mắt việc ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn chủ yếu chỉ tập trung vào nông nghiệp.

“Khi tỉnh có quy hoạch cụ thể về ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi rất mong muốn Bộ KH&CN giới thiệu và chuyển giao công nghệ cũng như thông qua các dự án để xây dựng các mô hình điểm, giúp Phú Thọ có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển kinh tế địa phương” - ông Chính nói.