Mới đây, Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hóa” do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì thực hiện. Đồng chí Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh chủ trì cuộc họp.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, kết quả của đề tài đã đáp ứng mục tiêu, nội dung đề ra, cụ thể: Xây dựng 4 chuyên đề về định hướng và phát triển mở rộng vùng sản xuất cam Trưng Vương, quýt Hà Trì theo từng xã, thị trấn thuộc 04 huyện cụ thể như sau: Huyện Hòa An với tổng diện tích trên 3.119 ha, huyện Trà Lĩnh được 1.657 ha, huyện Nguyên Bình được 2.512 ha, huyện Thạch An được 3.743 ha; Đã tạo được 10 cây So và 25 cây S1 quýt Trọng Con sạch bệnh và 10 cây So và 25 cây S1 quýt Hoa Thám sạch bệnh; Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống đặc sản quýt Hoa Thám huyện Nguyên Bình và quýt Trọng Con huyện Thạch An (quy mô 2 ha, mỗi giống 1 ha); Trồng mới, chăm sóc, đánh giá sinh trưởng và phát triển, quản lý sâu bệnh hại và chống tái nhiễm bệnh vàng lá greening và các bệnh virus khác trên vườn mô hình. Nhân giống và sản xuất 22.500 cây giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì và quýt Trà Lĩnh (tổng diện tích 30 ha, trong đó 8 ha cam Trưng Vương, 10 ha quýt Hà Trì và 12 ha quýt Trà Lĩnh) sạch bệnh greening và các bệnh virus khác, 5.400 cây ổi trồng xen; Nghiên cứu giải pháp bảo quản sau thu hoạch đối với cam và quýt được (2 quy trình); Chuyển giao công nghệ sản xuất và kỹ thuật thâm canh cây có múi sạch bệnh cho 10 cán bộ địa phương. Tổ chức 10 lớp tập huấn cho 300 lượt cán bộ và người dân địa phương về kỹ thuật trồng mới, thâm canh, quản lý tổng hợp sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch.


Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thảo luận và nhất trí đánh giá: Đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài đã tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nội dung theo thuyết minh đã được phê duyệt, kết quả của đề tài đã phát triển vùng sản xuất cam, quýt đặc hữu theo hướng hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo ra sản phẩm cam, quýt có năng suất, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân, đây cũng là cơ sở khoa học cho việc định hướng đề xuất nhiệm vụ hàng năm... Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội đồng đề nghị nhóm thực hiện đề tài bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung, như: Cần duy trì phối hợp với các huyện để nhân rộng mô hình và đi sâu vào đánh giá tính hiệu quả kinh tế của đề tài nâng cao thu nhập cho người dân; chuyển giao các quy trình nghiên cứu trồng và chăm sóc cây, bảo quản quả trong giai đoạn thu hoạch; mở rộng khả năng thương mại hóa của sản phẩm…

Với kết quả đã đạt được, Hội đồng KH&CN cấp tỉnh nhất trí đánh giá nghiệm thu đạt 33.6 điểm xếp loại Khá.