Thay vì đốt bỏ rơm rạ, nông dân Bắc Ninh đã biết cách xử lý thành phân bón hữu cơ chỉ trong 25-30 ngày bằng chế phẩm sinh học.

Thay vì bị đốt bỏ, gốc rạ được xử lý thành phân bón. Ảnh: Loan Lê
Thay vì bị đốt bỏ, gốc rạ được xử lý thành phân bón. Ảnh: Loan Lê

Thông thường sau mỗi kỳ thu hoạch lúa, bà con nông dân phải bỏ rất nhiều công để thu gom hoặc đốt rạ (ước tính mỗi hécta lúa cho 6 tấn rơm và 15 tấn rạ).

Tuy nhiên, với việc sử dụng chế phẩm sinh học Fito Biomix RR và chế phẩm khử H2S, bà con chẳng những không mất công thu đốt mà còn có thể tận dụng, xử lý rơm rạ thành phân bón ruộng chỉ trong thời gian ngắn. Đây là một ứng dụng thành công của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN Bắc Ninh phối hợp thực hiện với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

Để phổ biến rộng, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã mời nhiều hộ nông dân có nguyện vọng tìm hiểu quy trình này tham dự hội thảo “Đánh giá hiệu quả và triển vọng ứng dụng chế phẩm Fito Biomix RR và chế phẩm khử H2S xử lý gốc rạ thành phân bón hữu cơ”. Bà con cũng được mời đi tham quan mô hình xử lý gốc rạ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học Fito Biomix RR và chế phẩm khử H2S.

Chứng kiến những ruộng lúa sau khi được xử lý, gốc rạ chuyển sang màu nâu đen đã hoại mục khoảng 80%, nhiều bà con đã hào hứng ứng dụng.

Ông Vũ Xuân Đà - ở thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, Bắc Ninh - cho biết, được các cán bộ của trung tâm giúp đỡ và hướng dẫn kỹ thuật nên hiện nay, thay vì đốt bỏ rơm, rạ, gia đình ông đã biết cách xử lý thành phân bón để dùng cho vụ sau.

“Trước kia, rơm, rạ sau khi thu hoạch về tôi chỉ biết đốt bỏ, nhưng nay gia đình tôi đã biết cách dùng chế phẩm sinh học để tạo ra phân bón hữu cơ. Vụ mùa này sau khi thu hoạch lúa, tôi tiếp tục xử lý 1 tấn rơm và 1,2 mẫu gốc rạ làm phân hữu cơ để bón cho 5 sào khoai tây vụ đông” - ông Vũ Xuân Đà vui vẻ chia sẻ.

Theo các cán bộ kỹ thuật của trung tâm, để biến rơm thành phân bón hữu cơ, bà con chỉ cần thu gom rơm tươi sau thu hoạch, chất đống với kích thước mỗi chiều 2m. Cứ mỗi lớp rơm, rạ dày 30cm lại tưới một lượt dung dịch chế phẩm sinh học, bổ sung NPK và phân chuồng nếu có. Bước tiếp theo là ủ rơm bằng cách sử dụng nylon, bạt, tải rách, bùn để đậy kín, bảo đảm nhiệt độ ủ trong khoảng 45-500C; sau 10-15 ngày thì tiến hành kiểm tra và đảo trộn. Trong quá trình ủ, nếu phát hiện chỗ nào chưa bảo đảm độ ẩm thì tưới bổ sung để tạo điều kiện cho nguyên liệu hoại mục hoàn toàn. Sau 25-30 ngày, rơm, rạ phân hủy tốt thành phân ủ hữu cơ.

Hiện ở Bắc Ninh, mô hình này được triển khai tại 9 xã của 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ và Phù Cừ, tiến hành xử lý rơm, rạ thu được của 60ha.

Chế phẩm sinh học được hỗ trợ cho nông dân thông qua các xã. Quy trình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học này được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện, thời gian xử lý ngắn, đáp ứng được yêu cầu thời vụ, đặc biệt là thu được lượng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, làm tăng khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh.

Ông Nguyễn Trường Long - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN Bắc Ninh - cho biết: “Hiện nay có nhiều loại chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ. Việc sản xuất phân hữu cơ từ nguồn rơm, rạ góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen sử dụng phân hóa học của người dân. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc này mới chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ lẻ. Ðể nhân rộng mô hình xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân xử lý rơm, rạ như hỗ trợ tiền mua chế phẩm, đầu tư kinh phí cho công tác đào tạo, tập huấn...”.

Đánh giá cao kết quả này, ông Nguyễn Văn Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong - mong muốn trong thời gian tới, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN chuyển giao tới các hộ nông dân những ứng dụng mới trong nông nghiệp để bà con có cơ hội làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.