Là nơi tập trung nhiều cơ sở công nghiệp công nghệ cao, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ở phía nam cần đẩy mạnh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam Phạm Ngọc Minh khẳng định.
2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020, xin ông cho biết Cục Công tác phía Nam sẽ triển khai những hoạt động nào?
Trong năm nay, cục sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, thực hiện tốt trách nhiệm đại diện của Bộ KH&CN ở phía nam; nắm bắt thường xuyên tình hình hoạt động KH&CN, báo cáo và tham mưu kịp thời cho lãnh đạo bộ để thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển.
Cục cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và cấp bộ, bảo đảm tiến độ và hiệu quả, đưa kết quả nghiên cứu phục vụ công tác quản lý cũng như ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Theo ông, hoạt động KH&CN phía nam cần đẩy mạnh những vấn đề gì trong thời gian tới?
Khu vực phía nam là nơi phát triển kinh tế và KH&CN năng động, tập trung nhiều cơ sở công nghiệp công nghệ cao, nhiều viện, trường cho nên cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Hoạt động KH&CN phía nam thời gian tới cũng cần tập trung nghiên cứu để bổ sung luận cứ khoa học phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh như: Cây lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và công nghệ sau thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long; nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và phát triển du lịch ở Nam Trung Bộ; cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao ở Đông Nam Bộ, TPHCM…
Một số vấn đề khác cũng cần đẩy mạnh như: Thương mại hóa công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; xây dựng cơ chế, chính sách chuẩn bị các điều kiện để đưa sàn này vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ ở khu vực phía nam…
Để nâng cao vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía nam, theo ông cần những giải pháp gì?
Thứ nhất, các địa phương cần dựa trên các chính sách của Đảng và Nhà nước để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện địa phương và triển khai nhằm tạo môi trường pháp lý cho phát triển KH&CN.
Thứ hai, đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN để đủ điều kiện chuyển đổi theo tinh thần Nghị định 115/2005/NĐ-CP, đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, bảo đảm 2% số ngân sách cho KH&CN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa IX) và Luật KH&CN, đồng thời có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong doanh nghiệp, theo hướng xã hội hóa hoạt động KH&CN.
Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, giữa Bộ KH&CN với các địa phương, giữa địa phương với các viện, trường đại học và giữa các viện, trường và doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!