Bưởi Thanh Trà một đặc sản nổi tiếng đã đi vào lịch sử của vùng đất cố đô. Thanh trà Huế có được chất lượng và danh tiếng như vậy là nhờ điều kiện địa lý tự nhiên và kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc của người dân địa phương.

Ảnh: VinWonders
Dưới thời nhà Nguyễn, hằng năm, quả Thanh trà - một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên - đều được tuyển chọn kỹ để dâng tiến vào cung vua. Ảnh: VinWonders

Tháng Một vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00135 cho sản phẩm quả Thanh trà “Huế”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Khu vực địa lý gồm các các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Điền thuộc huyện Phong Điền; các xã Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng An thuộc huyện Quảng Điền; các xã Bình Tiến, Hương Bình, Hương Xuân, Hương Văn, Hương Vân, Tứ Hạ thuộc thị xã Hương Trà; xã Dương Hòa thuộc thị xã Hương Thủy; các xã Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Hòa, Xuân Lộc, Lộc Thủy, Lộc Tiến thuộc huyện Phú Lộc; các xã Hương Thọ, Thủy Bằng, Thủy Biều, Hương Long, Hương Hồ, Hương An thuộc thành phố Huế.

Thanh trà là một giống bưởi được trồng ở nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời nhà Nguyễn, hằng năm, quả Thanh trà - một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên - đều được tuyển chọn kỹ để dâng tiến vào cung vua. Xuất phát từ lệ cung tiến sản vật này nên về sau người dân vùng Thủy Biều cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lễ hội Thanh trà hằng năm để tôn vinh đặc sản nổi tiếng này của vùng. Năm 2018, lễ hội Thanh trà lần thứ 6 đã mở rộng quy mô thành lễ hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, đó là năm đầu tiên lễ hội Thanh trà có thêm hai hoạt động mới là giới thiệu quy trình trồng và chăm sóc cây Thanh trà và lễ cung tiến Thanh trà. Nghi lễ Cung tiến thanh trà diễn ra từ đình làng Lương Quán và Nguyệt Biều đến cửa Ngọ môn (Đại nội Huế). Đoàn rước từ đình làng xuống thuyền, dọc theo dòng Hương Giang đúng như nghi thức từ thời Nguyễn.

Ảnh: Huetourism.gov
Đoàn rước từ đình làng xuống thuyền, dọc theo dòng Hương Giang đúng như nghi thức từ thời Nguyễn. Thuyền chính trở sản vật đi giữa và theo 2 bên là các thuyền nghinh tiếp. Ảnh: Huetourism.gov

Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), nhìn bề ngoài, quả Thanh trà Huế có điểm khác biệt so với các loại bưởi khác. Quả Thanh trà Huế nhỏ hơn (trung bình từ khoảng 0,7-1 kg/quả), có hình quả lê thấp, đầu cuống lõm, trong khi bưởi Phúc Trạch và bưởi đường lá cam Tân Triều bằng hoặc hơi lồi. Màu sắc và trạng thái vỏ quả Thanh trà Huế khi chín có màu vàng xanh, nhẵn sáng, mùi thơm nhẹ tự nhiên đặc trưng. Tép Thanh trà Huế thon nhỏ, suôn thẳng, ráo, giòn, vị ngọt thanh pha chút chua nhẹ, không the, không đắng.

Về chất lượng, Thanh trà Huế có hàm lượng chất rắn hòa tan (Độ Brix) từ 9,43 - 11,23%, hàm lượng đường tổng số từ 7,80 - 9,34%, hàm lượng Axít tổng số từ 0,58 - 0,71% và hàm lượng Vitamin C từ 59,29 - 66,20 mg/100g.

Thanh trà Huế có được chất lượng và danh tiếng như vậy là nhờ điều kiện địa lý tự nhiên và kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc của người dân địa phương.

Vùng trồng bưởi Thanh trà nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa tập trung cao từ tháng 9-11 (trung bình trên 2.700mm) cũng là lúc cây Thanh trà cần nước nhất, nhờ đó quá trình phân hóa mầm hoa và khả năng đậu quả Thanh trà Huế cao. Trong mùa khô, đặc biệt vào đầu mùa, nét đặc thù là độ ẩm không khí khá cao, vì vậy, việc tưới nước bổ sung không phải tiêu tốn nhiều thời gian và công sức.

Địa hình vùng trồng Thanh trà Huế chủ yếu bằng phẳng hoặc lượn sóng theo lưu vực các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, là điều kiện lý tưởng để hình thành nên những vùng trồng Thanh trà tập trung dễ canh tác.

Các chỉ tiêu tổng số trong đất tại khu vực địa lý trồng Thanh trà ở mức trung bình đến nghèo, nhưng các chỉ tiêu dễ tiêu lại ở mức trung bình đến khá (các chỉ tiêu dễ tiêu là nguồn thức ăn của cây Thanh trà). Chất lượng đặc thù Thanh trà Huế có được do tổng hòa các yếu tố trong đất, trong đó lân và kali trong đất là các yếu tố có tác động lớn đến hàm lượng đường tổng số và hàm lượng vitamin C, tạo nên quả Thanh trà Huế không quá ngọt và không quá chua, vị ngọt thanh pha chút chua nhẹ đặc trưng. Bên cạnh đó, phần lớn đất trồng Thanh trà có phản ứng chua đến ít chua là điều kiện lý tưởng cho cây hấp thu dinh dưỡng đa lượng và vi lượng trong đất, trong đó yếu tố vi lượng Bo trong đất khá cao giúp cho quả Thanh trà không bị dị dạng, vỏ không quá dày và mang lại độ sáng bóng và có độ đồng đều cao.

Sau thời gian dài đúc rút, người dân Huế đã có nhiều kinh nghiệm canh tác cây Thanh trà, biết cách lựa chọn cành chiết hoặc cây ghép tốt nhất để làm giống. Cây được tạo tán trong 4 năm đầu, tỉa cành, tỉa quả để người dân dễ chăm sóc, tăng chất lượng quả.

Mùa vụ thu hoạch Thanh trà ở Thừa Thiên Huế có phần khác biệt so với các vùng trồng bưởi khác. Thanh trà Huế được thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch hàng năm, sớm hơn bưởi Phúc Trạch và rất sớm so với vùng trồng bưởi phía Bắc như bưởi Đoan Hùng.

Sự kết hợp giữa các yếu tố tự nhiên và phương pháp sản xuất đã tạo nên các vùng trồng Thanh trà Huế hàng trăm năm, tạo nên những nét đặc thù của Thanh trà Huế mà những vùng khác không có được.

Vào năm 2023, trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Thanh trà Huế, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ tỉnh mong muốn “người dân phải trồng và chăm sóc thanh trà theo các quy chuẩn, trong đó chăm sóc và trồng theo hướng hữu cơ kết hợp với các ứng dụng khoa học, công nghệ. Chúng ta phải làm cho quả thanh trà thực sự ngon, và đảm bảo chất lượng để khách hàng chấp nhận mua với giá cao, khi đó mới có thể giữ được uy tín và chất lượng của quả thanh trà.”