Nghề làm mỳ gạo đang phát triển ở nhiều nơi trong tỉnh Bắc Giang; nổi tiếng hơn cả là sản phẩm mỳ Chũ của huyện Lục Ngạn và mỳ Kế của thành phố Bắc Giang với đặc tính sợi mỳ trắng, ngon và dai khi nấu.

Hai đặc sản này không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân bán ra nước ngoài, mang lại lợi nhuận lớn.

Bảo vệ thương hiệu đặc sản bằng chất lượng

Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn - nơi có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo, chiếm tới 85% số hộ. Trong đó, hơn 100 hộ tham gia Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất gần 30 tấn mỳ gạo, thu gần 8 tỷ đồng mỗi năm.

Mỳ Chũ được sản xuất 100% từ loại gạo nổi tiếng thơm dẻo - gạo bao thai hồng. Để có sợi mỳ dai, ngon, trắng, dẻo, người sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch từ khâu chọn, vo, ngâm gạo đến xay bột, phơi và chần bánh. Phải chọn những hạt gạo trắng trong, căng mẩy, nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm nước trong khoảng 8 giờ, sau đó xay nhuyễn, lọc nhiều lần và ủ qua một đêm. Sáng hôm sau, những người thợ đem bột đã ủ ra tráng bánh, đóng vào khuôn, phơi và cắt thành sợi.

Còn mỳ Kế được sản xuất tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, cũng với quy trình cầu kỳ không kém. Người sản xuất chỉ dùng gạo Khang dân hoặc gạo Bông hồng, nước sạch và dầu ăn làm nguyên liệu. Gạo được ngâm khoảng 1 giờ rồi vo, đãi trước khi dùng sản xuất mỳ. Mỳ sau khi được cán, cắt thành sợi phải đem phơi dưới nắng to để sợi mỳ ngon và thơm mùi gạo.

Sản phẩm mỳ Kế - đặc sản Bắc Giang. Ảnh: Thanh Ba

Từ năm 2009, Sở KH&CN Bắc Giang triển khai dự án “Xây dựng và đề xuất hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể Mỳ Chũ”. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ quản lý. Năm 2013, cục cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mỳ Kế”. Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mỳ Chũ” và "Mỳ Kế" tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia.

Bảo hộ tại nước ngoài để nâng giá trị nhãn hiệu

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang - chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với cả khách hàng và nhà sản xuất và cần bảo hộ cả ở thị trường nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ không chỉ giúp phát triển sản phẩm đó mà còn góp phần xây dựng thương hiệu của vùng có nông sản. Đây cũng là cách bảo vệ nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh.

“Nếu không được bảo hộ ở nước ngoài kịp thời, có thể các nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh không còn thuộc về những chủ nhân thực thụ. Dù đã được đăng ký bảo hộ trong nước nhưng nếu bị đánh cắp nhãn hiệu ở nước ngoài thì sản phẩm sẽ không xuất khẩu được” - ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Ông Ngô Hoàng Anh - Phó phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN Bắc Giang - cho biết, đến nay, nhãn hiệu “Mỳ Kế” và “Mỳ Chũ” đã được bảo hộ ở các quốc gia đã đăng ký, riêng Thái Lan vẫn đang trong thời gian chờ cấp. Nhờ việc chú trọng bảo hộ nhãn hiệu, mỳ Chũ, mỳ Kế cũng như nhiều đặc sản nông nghiệp của Bắc Giang đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương từng đánh giá, Bắc Giang đã có nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với các sản phẩm chủ lực như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, miến dong Sơn Động, mỳ Chũ... Việc phối hợp triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, cũng như nâng cao vai trò của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.