Các yếu tố về địa lý, khí hậu và đặc trưng môi trường trầm tích ở Vân Đồn đã tạo điều kiện thuận lợi để sá sùng sinh sôi và phát triển. Chính những yếu tố này đã tạo nên sự khác biệt của sá sùng Vân Đồn và các vùng khác.
Yếu tố địa lý
Sá sùng Vân Đồn nổi tiếng thơm ngon bởi chúng được chế biến từ sá sùng khai thác tự nhiên ở các bãi bồi ven biển của một số địa phương thuộc huyện Vân Đồn.
Nơi có tiềm năng lớn về nguồn sá sùng chính là các bãi triều ven các đảo như Quan Lạn, Minh Châu. Các bãi triều này ngoài những đặc điểm của một bãi triều thấp ven biển, chúng còn được bao quanh bởi các dãy núi trên đảo hay cấu tạo kiểu dạng bãi triều trong các vụng, kiểu địa hình đặc biệt bao quanh đã tạo cho các bãi triều một điều kiện khá yên tĩnh về mặt sóng gió, thuận lợi cho sá sùng sinh sống và phát triển.
Các xã đều có bãi triều rộng từ 4 - 5 km2 và các trương cát trắng, mịn, xốp. Các bãi sá sùng nằm xa đất liền hầu như không chịu tác động của lục địa, có hàm lượng cát dao động từ 79 - 96%. Các bãi triều ven biển/đảo có đầy đủ 3 khu triều (cao, trung, thấp) còn các trương cát hầu như không có khu cao triều. Các bãi ở phần dưới của khu trung triều và thấp triều với nền đáy chủ yếu là trầm tích cát - bùn là nơi cư trú của sá sùng.
Các bãi triều có địa hình phẳng, rộng, nghiêng thoải về phía biển với độ dốc khoảng 2 - 3 độ C là nơi nhiều sá sùng phân bố.
Người dân khai thác sá sùng. Ảnh: Baoquangninh.
Khí hậu
Khu vực khí hậu Vân Đồn thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa với đủ 4 mùa trong năm. Mùa Hè nóng và ẩm. Mùa Đông khô và lạnh. Do đặc điểm về địa lý và địa hình, bị chi phối bởi khí hậu duyên hải, chịu ảnh hưởng và tác động nhiều của biển, tạo cho khu vực có những điểm điểm khí hậu riêng, những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp miền núi, ven biển.
Nhiệt độ trung bình năm là 23 độ C (cao hơn nhiệt độ tiêu chuẩn nhiệt đới: 21 độ C), trung bình cao nhất của các tháng là 28,2 độ C và trung bình thấp nhất các tháng là 16 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong năm thường là các tháng 6 và 7, dao động từ 26 - 30 độ C. Nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1 (trung bình từ 14 - 18 độ C).
Mùa nắng bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Nhiệt độ trung bình ngày phổ biến khoảng từ 20 - 30 độ C, tháng nóng nhất là tháng 7 (từ 28 - 35 độ C). Trong đó, số ngày có nhiệt độ trung bình trên 30 độ C chỉ xuất hiện vào các tháng giữa mùa (tháng 6, 7 và 8), chủ yếu xảy ra vào tháng 7 với tần suất trung bình 2 - 6 ngày/tháng.
Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình ngày dưới 20 độ C, tháng lạnh nhất là tháng 12, 1 và 2. Số ngày có nhiệt độ dưới 10 độ C là rất ít nhưng số ngày trên 15 độ C tương đối nhiều, có năm chiếm 50% số ngày trong các tháng mùa Đông.
Nhiệt độ và độ muối
Vào mùa Đông, nhiệt độ nước biển Vân Đồn trung bình cao nhất từ 23,5 - 24,5 độ C, trung bình thấp nhất khoảng 18 - 19 độ C, nhiệt độ trung bình khoảng 20,5 - 21,5 độ C. Trong thời kỳ này, độ mặn có giá trị cao, cao nhất vào tháng 1 và tháng 2 do ít mưa, độ muối trung bình từ 30 - 31‰. Mùa Hè, nhiệt độ nước biển đạt giá trị cao nhất trong năm, cao nhất khoảng 31,5 - 32,1 độ C, thấp nhất dao động khoảng 26 - 27 độ C, nhiệt độ trung bình khoảng 29,5 - 30 độ C. Nhiệt độ nước biển cao nhất trong tháng 7. Mùa Hè trúng vào thời kỳ nhiều mưa, lượng mưa lớn đồng thời nước ngọt từ các sông đổ ra nên nước biển bị pha loãng, độ mặn thấp xuống, độ muối trung bình từ 21 - 27‰. Độ mặn của nước biển ở đây không quá cao nên sá sùng không bị chát.
Ảnh: Lamchame.
Đặc trưng môi trường trầm tích
Tại các bãi sá sùng, thành phần độ hạt trầm tích chủ yếu là cái với mức trung bình là 79,13%, thành phần sét trong trầm tích ở các bãi sá sùng là 1,9%. Điều này cũng đã tạo nên yếu tố khác biệt của sá sùng Vân Đồn so với quy luật phân bố trầm tích tại các bãi triều ven biển có sá sùng ở nơi khác.
Đặc trưng hệ sinh thái
Với vị trí địa lý, địa mao và vùng khí hậu có 4 mùa rõ rệt quanh năm đã tạo được hệ sinh thái riêng cho vùng ven biển Vân Đồn.
Vân Đồn có thềm lục địa rộng lớn nằm hoàn toàn trong vịnh Bái Tử Long với cấu trúc địa hình và hệ sinh thái đa dạng, với rất nhiều thực vật phù du (185 loài) và động vật phù du (180 loài) sinh sống.
Thực vật đóng vai trò là mắt xích đầu tiên cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật động vật phù du, ấu trùng giáp xác, các loại thân mềm ăn lọc và cả sá sùng. Đặc biệt, ở vùng nước bãi triều thuộc Minh Châu và Quan Lạn có các loài thực vật phù du thuộc 4 ngành tảo: Silic, tảo giáp, tảo lục và tảo lam. Trong đó tảo lục chiếm ưu thế và là thức ăn chính của sá sùng.
Về thực vật ngập mặn: Đến nay, ở vùng ven biển Vân Đồn đã xác định được sự có mặt của 23 loài cây ngập mặn. Các rừng cây ngập mặn bao quanh trương cát có sá sùng đã góp phần tạo nguồn dinh dưỡng đặc trưng của vùng cho sá sùng.