Các đặc điểm đặc thù của địa hình địa mạo của vùng này như độ cao, độ dốc, phân cách mạnh đã tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, là yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây quế
Hai huyện Nam và Bắc Trà My là vùng địa hình chuyển tiếp giữa vùng núi cao và vùng đồng bằng, phía Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam được bao bọc bởi các dãy núi cao như: Ngọc Linh, Lum Heo, Tion, Gle-lang, Mang Cao,… với độ cao trên 1.000 m và được mở ra ở phía Đông Bắc.
Khu vực địa lý có địa hình chia cắt mạnh, đồi núi liên tiếp và cao dần từ Đông Bắc đến Tây Nam. Điểm cao nhất ở Trà My lên đến 2.313 m và điểm thấp nhất khoảng 60 m, được chia làm hai vùng rõ rệt, gồm: vùng núi cao và vùng gò đồi thấp.
Vùng núi cao là vùng có địa hình rất phức tạp, chiếm khoảng 60 % diện tích tự nhiên toàn vùng, nằm chủ yếu ở phía Nam thuộc huyện Nam Trà My. Địa hình bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều các khe suối lớn nhỏ và được hợp thủy tạo thành nhiều con sông nhỏ trong vùng như: Nậm Nin, Nước Vin, Nước Xa, Nước Oa,… Độ dốc lớn, độ dốc từ 15 - 25 O chiếm gần 60 % diện tích của vùng này. Đây chính là vùng quế Trà My sinh trưởng và phát triển.
Vùng gò đồi thấp có độ cao trung bình từ 60-120m, chiếm trên 40% diện tích tự nhiên, gồm các xã nằm ở phía Bắc thuộc huyện Bắc Trà My.
Vùng trồng quế Trà My chủ yếu phân bố ở các xã vùng núi cao trong hai huyện, đây là vùng có các đặc điểm về địa hình và địa mạo phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây quế. Độ cao phổ biến trong vùng trồng quế Trà My đã xác định được đặc thù về độ cao là từ 350 - 850 m.
Các đặc điểm đặc thù của địa hình địa mạo của vùng này như: độ cao, độ dốc, phân cách mạnh đã tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, là một yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây quế và tạo ra chất lượng đặc thù của quế Trà My so với các vùng khác trong và ngoài tỉnh.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)