Dải đất phù sa màu mỡ mang nhiều khoáng chất dọc theo sông Đồng Nai trải dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam đã giúp bưởi Tân Triều tạo ra chất lượng đặc thù mà không giống bưởi nào có thể có được.
Điều kiện địa hình
Địa hình vùng trồng bưởi chia thành 2 phần rõ rệt: phần địa hình đồng bằng và phần đồi thấp. Độ cao giữa các vùng chênh lệch không lớn, địa hình khu vực không bị chia cắt mạnh, độ dốc tương đối thấp, hệ thống tưới tiêu tốt, rất thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp.
Địa hình thấp nhưng không bị ngập nước, được bồi tụ phù sa, tạo nên vùng đất đai màu mỡ rất thích hợp để trồng bưởi có chất lượng quả ngon.
Bưởi Tân Triều. Ảnh: Giongcaytrong.
Địa thế vùng trồng bưởi nằm dọc theo sông trải hướng Đông Bắc – Tây Nam rất thuận lợi cho việc tích tụ phù sa của sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, vùng phân bố gần hồ Trị An nên được điều tiết lưu lượng, không hoặc ít bị ngập nước, tiêu thoát dễ dàng.
Điều kiện thổ nhưỡng
Đất trồng bưởi Tân Triều được xác định chủ yếu là nhóm đất phù sa và một phần nhỏ thuộc nhóm đất xám. Trong nhóm đất phù sa, diện tích đề xuất các phân nhóm phụ gồm đất phù sa chua, kết von sâu (FLdy.fr2) là 12,7 ha/1.539,36 ha diện tích điều tra.
Tương tự, đất phù sa chua, đọng nước (FLdy.aq) là 94,24 ha/ 1.301,12 ha; đất phù sa điển hình, cơ giới trung bình (FLha.sl) là 206,9 ha / 240,78 ha ; đất phù sa điển hình, ít chua (FLha.eu) là 920,55 ha / 1.120,66 ha. Một phần nhóm đất xám có phân nhóm đất xám cơ giới nhẹ, nghèo bazơ (ACar.vt) có diện tích đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng được đề xuất là 71,76 ha / 2.777,21 ha diện tích đất điều tra.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)