Hạn hán, lũ lụt và cháy rừng tăng mạnh đã cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người và ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người.

Cháy rừng ở California vào tháng trước. Mỹ đã ghi nhận 467 sự kiện thiên tai từ năm 2000 đến 2019, chỉ đứng sau Trung Quốc với 577 sự kiện. Ảnh:Gene Blevins/Reuters

Các hiện tượng thời tiết bất thường đã tăng đáng kể trong 20 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về người và của, thậm chí có khả năng còn gây ra nhiều hậu quả hơn nữa, Liên Hợp Quốc cho biết. Những đợt nắng nóng và hạn hán sẽ là mối đe dọa lớn nhất trong thập kỷ tới, khi mà nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng do khí thải nhà kính.

Theo một báo cáo vừa được Liên Hợp Quốc công bố một ngày trước Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Trung Quốc và Mỹ là hai nước ghi nhận số sự kiện thiên tai cao nhất từ năm 2000 đến năm 2019, với con số lần lượt là 577 và 467, theo sau đó là Ấn Độ (321), Philippines (304) và Indonesia (278). Tám trong số mười quốc gia đứng đầu danh sách này nằm ở châu Á.

Thống kê cho thấy toàn thế giới ghi nhận 7.348 sự kiện thiên tai lớn, cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2,97 tỷ đô-la trong suốt hai thập kỷ qua.

Hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần, cháy rừng và biến động nhiệt độ cực độ là một trong những loại hình thiên tai gây ra thiệt hại lớn.

Tháng 9 năm 2019, siêu bão Dorian mạnh cấp 5 đã ập vào hai hòn đảo Great Abaco và Grand Bahama thuộc quần đảo Bahamas khiến nhiều ngôi nhà bị phá hủy. Ảnh:Marco Bello/Reuters

“Tin tốt là nhiều người đã được cứu sống, nhưng tin xấu là nhiều người vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, bà Mami Mizutori, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu nguy cơ thiên tai, cho biết. Bà kêu gọi chính phủ các quốc gia đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Bà Debarati Guha-Sapir, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về dịch tễ học do thiên tai thuộc Đại học Louvain (Bỉ) – nơi cung cấp dữ liệu cho báo cáo, cho biết: “Nếu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vẫn tiếp tục gia tăng trong 20 năm tới thì tương lai của nhân loại thực sự sẽ rất ảm đạm.”

“Các đợt sóng nhiệt (giai đoạn thời tiết nóng một cách quá mức) sẽ là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đương đầu trong vòng 10 năm tới, đặc biệt là ở các nước nghèo”, bà nói.

Nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục ấm lên trong vòng 5 năm tới, thậm chí có thể tạm thời tăng lên hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết. Các nhà khoa học đã đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C để hạn chế những tác động xấu của vấn đề biến đổi khí hậu.