Nghị định 27/2018/NĐ-CP bổ sung quy định mới, cơ quan quản lý có quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép trang tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến. Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã bị đình chỉ giấy phép 1 lần mà vi phạm lần thứ 2 sẽ thu hồi giấy phép luôn.

Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP được tổ chức tại Hà Nội vào 22/5/2018. Ảnh: PV

Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP được tổ chức tại Hà Nội vào 22/5/2018. Ảnh: PV

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ TT&TT tổ chức sáng ngày 22/5/2018, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội, điểm quan trọng nhất là Nghị định 27 bổ sung thêm quy định về đình chỉ và thu hồi giấy phép.

Việc bổ sung quy định mới xuất phát từ thực tiễn, trong 5 năm thực hiện Nghị định 72 có một số doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt nhiều lần, nhưng do không có quy định về thu hồi giấy phép nên không đủ tính răn đe, doanh nghiệp cứ vi phạm nộp phạt rồi tiếp tục vi phạm. Quy định mới bổ sung cơ quan quản lý có quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép. Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã bị đình chỉ giấy phép 1 lần mà vi phạm lần thứ 2 sẽ thu hồi giấy phép luôn, không tiến hành xử phạt nữa. Quy định này rất quan trọng vì với những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ thu hồi giấy phép để đảm bảo đủ sức răn đe, ngăn chặn kịp thời các tác động xấu tới xã hội.

Theo đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về đình chỉ, thu hồi giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử, giấy phép thiết lập mạng xã hội và trình tự thu hồi. Cụ thể, đình chỉ giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong thời hạn 3 tháng khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (đăng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, quảng cáo tuyên truyền cho nội dung bị cấm lưu hành hoặc dịch vụ bị cấm…)

Doanh nghiệp sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép với trang thông tin điện tử, mạng xã hội nếu có các hành vi vi phạm như đăng bài tuyên truyền chiến tranh xâm lược, chống phá nhà nước, tuyên truyền tư tưởng phản động, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, thông tin xuyên tạc sự thật, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc, bí mật nhà nước theo quy định…

Ông Lê Quang Tự Do lưu ý các Sở TT&TT tập trung quản lý mảng thông tin điện tử là lĩnh vực có nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm, Hiện nay trang thông tin điện tử tổng hợp có hiện tượng vi phạm bản quyền về báo chí, nhiều trang tự ý lấy bài trên báo khác đăng trên trang tin của mình nên có đủ các bài viết hay từ các báo mà không phải mất chi phí sản xuất bài. Thời gian qua, các báo phản ánh lên Bộ TT&TT nhiều lần và các Sở TT&TT phải phối hợp với Bộ thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trang tin.

Nhiều trang thông tin điện tử chạy theo mục đích thương mại, chỉ chọn tin tiêu cực, tin về mặt trái của xã hội để tổng hợp nhằm câu view, câu like, từ đó tạo nên bức tranh rất u ám, tiêu cực về nền kinh tế, xã hội của Việt Nam, tác động không nhỏ đến dư luận xã hội. Các trang tin điện tử được coi là là cánh tay nối dài của báo chí, mục đích đưa tin tích cực tới người dân không đạt được.

Ông Lê Quang Tự Do đề nghị tổ chức, doanh nghiêp hoạt động trang tin điện tử tổng hợp chủ động cân đối tỷ lệ thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử tổng hợp, bảo đảm những thông tin tích cực là chủ đạo, thông tin tiêu cực, thông tin về mặt trái của xã hội không chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tin, bài được đăng tải. Tuy nhà nước không có quy định về tỷ lệ đưa tin tích cực, tiêu cực trên các trang tin tổng hợp, nhưng tỷ lệ mà Ban Tuyên giáo Trung ương khuyến khích là 70/30, tức là trên các trang tin tổng hợp nên chiếm ít nhất 70% các tin tích cực, tuyên truyền về những mặt tốt đẹp, thành tựu kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, các Sở TT&TT sau khi cấp phép cho các trang tin điện tử tổng hợp cần lưu ý kiểm tra về nội dung đăng tải trên các trang tin.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng nêu ra hiện tượng mập mờ giữa trang tin điện tử và báo điện tử, dùng tên miền có các từ gây hiểu nhầm báo chí như news, điện tử, online, trên chân trang có ghi rõ có Ban biên tập, Hội đồng biên tập. Ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo các doanh nghiệp đang cung cấp trang tin điện tử tổng hợp cần lưu ý không làm theo cách này, sắp tới Bộ TT&TT sẽ đưa vào “tầm ngắm” để kiểm tra việc thực hiện cung cấp nội dung trên trang thông tin điện tử.

Thêm vào đó còn có hiện tượng doanh nghiệp ở địa phương này xin cấp phép trang tin điện tử nói về địa phương khác, sau đó tổng hợp toàn tin tiêu cực về địa phương đó. Có doanh nghiệp chỉ 1-2 nhân viên nhưng lại xin cấp phép 30-40 trang thông tin điện tử. Có trường hợp một Trung tâm y tế dự phòng của huyện tại tổng hợp trên trang tin tất cả các vấn đề thời sự chính trị, nội chính, trong khi lẽ ra phải tập trung đưa thông tin về trung tâm y tế dự phòng của huyện đó.

Các Sở TT&TT phải xem xét năng lực doanh nghiệp khi thẩm định cấp phép, có địa phương dễ dãi cấp phép cho tổng hợp tất cả lĩnh vực, nếu họ có ý đồ xấu có thể từ đó lợi dụng “đánh đấm” doanh nghiệp để trục lợi.

Do vậy, các Sở TT&TT khi cấp phép trang thông tin điện tử cần quan tâm đến mục đích của doanh nghiệp, cảnh giác ngăn chặn từ đầu nếu có nghi ngờ, ghi rõ trong giấy phép về lĩnh vực xin cấp phép tổng hợp thông tin.