Nghị định 27/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/3 hứa hẹn sẽ tạo những điều kiện mới để thu hút và trọng dụng các nhà khoa học tài năng.
Với đối tượng thụ hưởng là các nhà khoa học tài năng, không kể tuổi đời, kinh nghiệm và nơi sinh sống, Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP quy định thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN công lập thu hút được những gương mặt xuất sắc.
Theo Nghị định mới, việc trọng dụng nhà khoa học xuất sắc được bao quát từ quy trình, thủ tục tuyển dụng, đặc cách bổ nhiệm… đến chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành. Từng được quy định trong Nghị định số 40/2014/NĐ-CP nhưng những bổ sung, chỉnh sửa của nghị định mới đã làm rõ hơn các tiêu chuẩn và ưu tiên với nhà khoa học tài năng và nhà khoa học đầu ngành trong điều kiện mới: thông thoáng và nhanh gọn trong thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác khi chỉ sau 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị; chặt chẽ và cụ thể hơn với tiêu chí, thủ tục lựa chọn, chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, như có khả năng tập hợp, huy động các cán bộ xuất sắc, dẫn dắt một ngành hoặc một chuyên ngành khoa học, giảng dạy tại trường đại học thuộc nhóm 500 ĐH hàng đầu theo Bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng của các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli (Anh) hoặc Bảng xếp hạng các đại học trên toàn thế giới, hướng dẫn chính ít nhất 5 nghiên cứu sinh…
Nghị định mới cũng nêu rõ, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, lãnh đạo tổ chức KH&CN nơi nhà khoa học đang công tác thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xét chọn, Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định công nhận kết quả xét chọn và quyết định áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành.
Trong các điều khoản bổ sung, thay thế một số điều khoản của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, Nghị định mới chú trọng vào các điều kiện áp dụng chính sách thu hút, chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập, chính sách về tiền lương… đối với nhà khoa học người Việt ở nước ngoài và chuyên gia khoa học nước ngoài tham gia Việt Nam. Bên cạnh các ưu đãi về mức lương thỏa thuận, trong đó mức lương tương đương với vị trí tương ứng trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, điều quan trọng là tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học “đặc biệt” này như hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, kinh phí tổ chức hội thảo, kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ NAFOSTED hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Anh Vũ