Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN.
Với việc ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP, Chính phủ đặt kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa sự công bằng và khách quan trong quá trình xét duyệt các giải thưởng, qua đó sẽ lựa chọn được những công trình nghiên cứu xứng đáng.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, quy định mới về lựa chọn thành viên các Hội đồng xét tặng giải thưởng đã nêu rõ, Chủ tịch hội đồng là nhà khoa học có uy tín, am hiểu sâu lĩnh vực KH&CN của công trình, đồng thời các thành viên của Hội đồng là đại diện cho các cơ sở đã ứng dụng kết quả công trình, các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín và trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu lĩnh vực KH&CN của công trình. Hội đồng có trách nhiệm phân công thành viên là chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực của công trình làm chuyên gia phản biện để nhận xét, đánh giá công trình, trong trường hợp cần thiết có thể mời thêm chuyên gia phản biện độc lập. Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước cần có từ 21 đến 25 thành viên.
Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp là đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp giải thưởng.
Bên cạnh đó, Nghị định 60/2019/NĐ-CP cũng bổ sung điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là công trình đề nghị xét tặng giải thưởng phải là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thanh Nhàn