Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam gần 3 triệu USD để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.


Phun hóa chất khử trùng để chống dịch COVID-17 ở Cầu Thê Húc, Hà Nội. Ảnh: Getty Image


Việt Nam là 1 trong 7 nước ASEAN (trừ Brunei, Malaysia, và Singapore) nhận được khoản hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp của Mỹ, trước mắt (tính đến ngày 26/3) trị giá khoảng 18,3 triệu USD.

Mỗi nước nhận được từ khoảng 1,2 triệu đến gần 4 triệu USD để chuẩn bị các phòng thí nghiệm có năng lực xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn; phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm; truyền thông nguy cơ; thực hiện kế hoạch khẩn cấp về y tế công cộng đối với các điểm nhập cảnh tại biên giới; giám sát phát hiện ca bệnh và giám sát dựa trên sự kiện đối với các bệnh thuộc dạng cúm; cập nhật tài liệu tập huấn cho nhân viên y tế…

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang xác định các công ty có thể cung cấp cho chính phủ một số nước ASEAN máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sau khi nhu cầu nội địa của Mỹ được đáp ứng.

Ở Việt Nam, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đào tạo cho 15 bệnh viện và hỗ trợ đào tạo cho 63 tỉnh/thành phố trong việc giám sát, báo cáo và thu thập mẫu COVID-19; và đang hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm quốc gia đối với COVID-19 .

Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu hỗ trợ thuốc thử COVID-19 và hiện đang được phối hợp với Cơ quan Giảm thiểu đe dọa quốc phòng (DTRA) của Bộ Quốc phòng Mỹ để tìm nguồn cung ứng.

Trên toàn cầu, tính đến ngày 26/3/2020, Mỹ đã cung cấp gần 274 triệu USD hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp để giúp các quốc gia có nhu cầu, ngoài nguồn tài trợ mà Mỹ đã cung cấp cho các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF.