Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là hai đại diện của Việt Nam có tên trong danh sách 150 trường đại học trẻ hàng đầu thế giới năm 2021 của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS).

Hai trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021. Ảnh: Topuniversities.
Hai trường đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021. Ảnh: Topuniversities.

Hôm nay, 24/6, tổ chức giáo dục QS của Anh công bố bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021 dành cho các trường đại học trẻ tuổi, có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới và thời gian thành lập dưới 50 năm.

Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng này, đứng ở vị trí 101 - 150. Trong khi Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên vị trí 101 – 150 như bảng xếp hạng năm ngoái.

Trước đó, hai trường quốc gia của Việt Nam lần thứ ba liên tiếp vào bảng xếp hạng thế giới World University Rankings 2021 của QS công bố ngày 10/6. Cả hai đều nằm trong nhóm 801-1.000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu.

Tổ chức QS công bố bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 lần đầu tiên vào năm 2012 nhằm vinh danh các trường đại học trẻ có chất lượng đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ban đầu, bảng xếp hạng này chỉ có 50 trường đại học. Nhưng kể từ năm 2015, QS mở rộng quy mô của bảng xếp hạng lên 150 trường. Các trường thuộc Top 50 sẽ có thứ hạng chính xác, trong khi các trường ngoài Top 50 được xếp hạng theo nhóm.

Trong bảng xếp hạng năm 2021, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu. Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) và Đại học Thành phố Hồng Kông. Khu vực Đông Nam Á có 17 trường đại học có tên trong Bảng xếp hạng, trong đó Singapore có 2 trường, Malaysia - 11 trường, Brunei và Việt Nam - mỗi nước có 2 trường.

Về phương pháp đánh giá, QS Top 50 Under 50 sử dụng các tiêu chí của bảng xếp hạng thế giới QS World University Rankings 2021. Các tiêu chí này bao gồm: Danh tiếng học thuật (40%), Đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), Số trích dẫn khoa học/giảng viên (20%), Tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), Tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).

Bảng xếp hạng các trường đại học của QS là một trong ba bảng xếp hạng được tham khảo nhiều nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) và Times Higher Education World University Rankings.