Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, hội nghị FIG Working Week 2019 được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội học hỏi và nâng cao năng lực cho những nhà trắc địa trẻ và cùng thảo luận những vấn đề "nóng" trong ngành trắc địa.

Hội nghị FIG Working Week 2019 khai mạc vào sáng 23/4 tại Hà Nội với chủ đề “Thông tin không gian địa lý cho cuộc sống và môi trường thông minh”, thu hút gần 800 đại biểu quốc tế tham dự.

Hằng năm, hội nghị sẽ do FIG (Hiệp đoàn Đo đạc quốc tế) – cơ quan đại diện cho lợi ích của những người đo đạc trên toàn thế giới lớn nhất hiện nay, được thành lập từ năm 1878 - và hội thành viên thắng thầu đăng cai tổ chức. Đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực cho các nhà khoa học và khẳng định vị thế trong ngành trắc địa nên rất nhiều quốc gia muốn đảm nhiệm. Khi FIG tổ chức đấu thầu hội nghị 2019, “rất nhiều nước đã nhanh chóng ứng cử”, PGS.TS. Phạm Văn Cự, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết. Do Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam (VGCR) từng có kinh nghiệm tổ chức Hội nghị vùng của FIG năm 2009 tại Hà Nội nên được FIG tin tưởng lựa chọn cùng phối hợp để tổ chức FIG Working Week năm nay.

Đối với Việt Nam, việc tổ chức Hội nghị FIG 2019 lần này còn mang một ý nghĩa đặc biệt: hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và chào mừng 30 năm ngày thành lập VGCR.


Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu trong hội nghị. Nguồn: dangcongsan

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hội nghị là cơ hội tốt để các nhà trắc địa Việt Nam, đặc biệt là các nhà trắc địa trẻ, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm với các nhà trắc địa trên thế giới, vì việc các nhà khoa học Việt Nam tham gia hội nghị khoa học quốc tế còn khó khăn do hạn chế về kinh phí.

“Tôi mong rằng các nhà trắc địa Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều điều từ hội nghị, đóng góp cho sự phát triển và lớn mạnh của ngành đo đạc và bản đồ của Việt Nam trong thời gian tới. Tôi cũng mong muốn các cơ quan tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng kỳ vọng. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về những vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng,...

Để Hội nghị diễn ra hiệu quả, VGCR đã nghiêm túc chuẩn bị và xây dựng chương trình, với nhiều nội dung. Hội nghị diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26/4, bao gồm 3 phiên họp toàn thể với 9 báo cáo dẫn đề của các chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và quốc tế; 60 phiên họp kỹ thuật với 305 báo cáo thuộc 10 chuyên đề liên quan đến trắc địa và ứng dụng thông tin không gian địa lý.

Ngoài ra, VGCR còn tổ chức triển lãm giới thiệu các thiết bị và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này, thu hút hơn 30 doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới tham gia, phần lớn là các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.