Theo anh Hoàng Văn Hà – cán bộ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định cá thể rùa được phát hiện tại hồ Yên Lập (Quảng Ninh) là rùa Hoàn Kiếm.
Ngày 25/1/2018, báo Giao thông đưa tin, các nhà khoa học thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) phát hiện một cá thể rùa được cho là cùng loài với rùa Hoàn Kiếm tại hồ Yên Lập (thuộc 3 địa phương là TP Hạ Long, thị xã Quảng Yên và huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh). Theo báo Giao thông, thông tin này được lấy từ báo cáo khảo sát thực địa của ATP.
Tuy nhiên, trao đổi của PV báo Khoa học và Phát triển, anh Hoàng Văn Hà - một cán bộ thuộc nhóm khảo sát của ATP, cho biết, báo cáo về cuộc khảo sát từ ngày 8 đến 25/8/2017 của nhóm mới chỉ nêu ra khả năng chứ chưa khẳng định cá thể rùa đang sinh sống tại hồ Yên Lập cùng loài với rùa Hoàn Kiếm.
Mới chỉ là phỏng đoán
Anh Hà kể, khi khảo sát thực địa, nhóm cán bộ ATP đã tiến hành 29 cuộc phỏng vấn. Trong đó, 2 người dân ở thôn Khe Liêu và Đồng Cóc, xã Quang La, huyện Hoành Bồ, cho biết đã bắt gặp một cá thể rùa mai mềm cỡ lớn (chiều dài mai hơn 1m, nặng khoảng 150-200kg) tại khu vực Lọng Cá thuộc hồ Yên Lập vào năm 2013 khi họ đánh bắt cá bằng kích điện.
Ngoài ra, một người dân tại bến thuyền Yên Cư cũng cho hay vào khoảng năm 2005-2007, có một nhóm thợ săn ba ba ở Hải Phòng đã bắt được một cá thể rùa mai mềm cỡ lớn nặng 36 kg tại khu vực hồ trước chùa Lôi Âm.
Rồi một nhóm thợ săn Hải Phòng cũng cho biết, có 1 cá thể Giải (tên thường gọi của các cá thể rùa mai mềm cỡ lớn) nặng khoảng 100kg đã mắc lưới đánh cá của họ, tuy nhiên, cá thể này đã phá lưới trốn thoát.
Do hồ Yên Lập rất rộng (diện tích khoảng 182km2, độ sâu tối đa là 30m và chứa khoảng 130 triệu m3 nước), nhóm khảo sát đã khoanh vùng các khu vực có thể rùa mai mềm cỡ lớn sinh sống là Khe Nước, Khe Lò Vôi, Khe Mang Cá, Khe Mang Rồng, Ngã Ba sông, Chùa Lôi Âm.
Anh Hà chia sẻ: “Từ ngày 8 đến ngày 25/8/ 2017, chúng tôi đã tiến hành hơn 350 giờ quan sát tại các khu vực được khoanh vùng trên hồ Yên Lập và có quan sát được 1 cá thể rùa mai mềm cỡ lớn. Một vài đặc điểm được xác định ban đầu là cá thể rùa có đầu màu đen, một phần trên đầu có hoa văn màu vàng, mũi ngắn. Tuy nhiên, do khoảng cách lớn và khoảng thời gian quan sát được rùa quá ngắn nên chất lượng ảnh không đủ tốt để có thể xác nhận được loài”.
Dựa vào các kết quả phỏng vấn cũng như quan sát thực địa, nhóm nghiên cứu mới dừng lại ở việc phán đoán, đây có thể là một cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei, còn được biết đến với tên gọi rùa Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, việc định loại đối với các loài rùa mai mềm có kích thước lớn có thể dễ gây nhầm lẫn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, rùa Hoàn Kiếm trưởng thành có thể dễ dàng bị nhầm với loài Giải (Pelochelys cantorii) do chúng cùng có kích thước và sinh cảnh sống. Ngoài ra, loài cũng dễ bị nhẫm với các loài rùa mai mềm/ba ba khác, ví dụ loài ba ba Nam Bộ (Amyda ornata), loài có phân bố tự nhiên ở miền Nam Việt Nam, thường được tịch thu từ các vụ buôn bán và hay được thả về các sông, hồ lớn ở miền Bắc Việt Nam. Trên thế giới, rùa Hoàn Kiếm đã từng bị nhầm lẫn với loài Pelochelys bibronii, Nilsonia Formosa (McCormack, 2016).
Nghiên cứu dài hạn kết hợp phân tích gene môi trường
Trong trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của ATP sẽ tiến hành các nghiên cứu dài hạn kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác nhau như quan sát, phân tích gene môi trường (eDNA). Cụ thể là sử dụng kỹ thuật gene môi trường, thu mẫu nước và tách lọc gene của những cá thể thủy sinh trong nước để xác định gene của cá thể rùa đang sinh sống tại hồ Yên Lập có phải rùa Hoàn Kiếm không.
Tuy nhiên, việc xác định này theo anh Hà cũng phụ thuộc không ít vào “may mắn”. Ví dụ, để xác định rùa ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) có phải rùa Hoàn Kiếm hay không, nhóm khảo sát của anh đã mất 6 tháng khảo sát liên tục, trong khi hồ Đồng Mô có diện tích nhỏ và nhiều người đánh cá, còn hồ Yên Lập quá lớn và hiện chỉ có 2 người làm nghề đánh cá.
Vì thế, trước khi có kết quả xác định cá thể đang sinh sống tại hồ Yên Lập có phải rùa Hoàn Kiếm hay không, anh Hà cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi pháp luật và các hoạt động tuyên truyền để ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản có hại như dùng xung điện, mìn, thuốc nổ bởi những hoạt động như vậy hoàn toàn có thể tác động tới sự sống của cá thể rùa mai mềm này.