Nếu dự luật trên được thông qua tại Philippines, mỗi học sinh, sinh viên sẽ cần phải trồng 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp. Đây rõ ràng chỉ là một hành động nhỏ nhưng lại đem tới hiệu quả to.
Từ năm 1990-2005, Philippines đã mất khoảng 32,2% diện tích rừng. Nguyên nhân chủ yếu do nạn khai thác gỗ bất hợp pháp trong quá khứ. Nhưng bây giờ hạ viện Philippines đã có một cách xử lý thông minh để nhanh chóng phục hồi số rừng lại như xưa.
Theo ScienceAlert, hai đại biểu quốc hội Gary Alejano và Strike Revilla đã gửi dự luật có tên House Bill 8728 hay "Graduation Legacy for the Environment Act" lên Thượng viện Philippines chờ phê duyệt mới đây.
Alejano cho biết, dự luật này đảm bảo sẽ có ít nhất 175 triệu cây được trồng mới mỗi năm. Nếu cứ nối tiếp qua nhiều thế hệ học sinh, số lượng cây trồng mới có thể lên tới 525 tỷ cây.
Đại biểu này nhấn mạnh: "Ngay cả khi tỷ lệ sống sót của cây trồng chỉ khoảng 10%, vẫn sẽ có thêm khoảng 525 triệu cây xanh tồn tại đến khi thế hệ tương lai của chúng ta đứng lên lãnh đạo đất nước".
Nội dung dự luật yêu cầu tất cả các học sinh tiểu học, trung học và đại học phải trồng ít nhất 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp. Tuy nhiên không rõ liệu một học sinh cho đến khi tốt nghiệp đại học sẽ trồng 30 cây hay chỉ 10 cây trong suốt quá trình đi học tới lúc trưởng thành.
Ảnh minh họa
Một số quan chức chính phủ sẽ quản lý và chăm sóc các vườn ươm, sản xuất cây giống và chuẩn bị địa điểm cho các học sinh tới trồng.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Philippines có một ý tưởng thú vị như vậy. Hồi năm 2012, một dự luật được trình lên thượng viện nước này cũng có quy định bắt buộc người dân phải trồng cây.
Mặc dù những nỗ lực cá nhân đáng được hoan nghênh nhưng trên hết, chính phủ Philippines cần tìm ra cách giải quyết hài hòa lợi ích của những người phá rừng và việc bảo vệ rừng. Kể từ năm 2015 đến nay, diện tích rừng tại Philippines đã có sự gia tăng trở lại nhờ các sáng kiến thông minh của chính phủ và việc tăng cường thực thi pháp luật nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp.
Bên cạnh việc trồng mới, làm sao để giữ lại những cánh rừng nguyên sinh đã tồn tại hàng triệu năm cũng là vấn đề còn trăn trở tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại những cánh rừng lớn như Amazon.
Theo Vnreview