Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, số ca tử vong vì corona ở Mỹ cho tới tháng 12 này sẽ lên đến gần 300.000 người

Nhân viên y tế vận chuyển người bệnh ở Miami, Florida. Ảnh: Maria Alejandra Cardona/ REUTERS.

Virus corona đeo bám lấy nước Mỹ rất chặt - và các nhà khoa học đã thấy trước hình ảnh ảm đạm về số ca tử vong sẽ tăng lên trong mùa thu này.

Nước Mỹ đang hướng tới cuộc bầu tổng thống mới vào mùa thu này, đúng vào lúc đại dịch đang bùng phát đến mức khó lường. Theo tính toán của các chuyên gia Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington ở Seattle thì trong những tháng tới số ca tử vong vì căn bệnh này có thể tăng vọt, theo đó, đến tháng 12 có khoảng gần 300.000 người bị tử vong vì virus corona. So với hiện tại thì số ca tử vong tăng thêm 140.000 người.

Tuy nhiên mô hình tính toán của Viện này cũng cho thấy: nếu 95 % người dân luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng thì số nạn nhân tính đến ngày 1/12 có thể giảm rõ rệt, chỉ còn 228.000 người. Điều này đẫ được các nhà khoa học của trường Đại học này giải thích hôm thứ năm vừa qua.

Christopher Murray, Giám đốc Viện IHME bình luận tình hình hiện nay giống như “chơi tầu lượn siêu tốc". Khi nguy cơ lây nhiễm tăng vọt ở một vùng nào đó thì người ta đeo khẩu trang và thi hành các biện pháp tự bảo vệ cần thiết, nhưng khi tình hình bớt căng thẳng, thì sự thận trọng cũng nhanh chóng bị sao nhãng. "Điều này làm cho sự lây nhiễm lại tăng lên. Và rất có thể cái chu trình chết người này lại bắt đầu lại từ đầu", Murray nói.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins thì tại Mỹ đã có gần 160.000 người chết sau khi bị lây nhiễm Sars-CoV-2. Cả nước có gần năm triệu người chính thức bị lây nhiễm. Từ giữa tháng Sáu, số ca lây nhiễm mới ở nước này lại tăng lên rõ rệt. Theo số liệu của nhà chức trách thì gần đây bình quân mỗi ngày có tới 60.000 ca lây nhiễm mới, chủ yếu tập trung ở các tiểu bang phía nam và phía Tây nước Mỹ.

Con số ca nhiễm virus tăng là gánh nặng đối với hệ thống y tế của Mỹ - và nó diễn ra song song với căng thẳng chính trị ở thủ đô. Do hậu quả của cuộc khủng hoảng corona, hàng triệu người Mỹ bị mất việc làm và phụ thuộc rất lớn vào gói cứu trợ của nhà nước.

Tuy nhiên cuộc tranh luận căng thẳng và khác biệt xung quanh gói cứu trợ mới vẫn chưa đi đến nhất trí. "Tôi nghĩ, hai bên đều muốn có một kết quả. Đấy là một tin vui. Còn tin xấu là, chúng tôi hiện còn cách xa nhau quá lớn", Mitch McConnell, thủ lĩnh phái Cộng hòa trong Thượng viện đã trả lời phỏng vấn đài Fox News.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa chưa thống nhất được với nhau về việc tiếp tục trợ cấp đặc biệt 600 đôla cho những người thất nghiệp và gia hạn quy chế bảo vệ dành cho những người thuê nhà.

Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng gần đây đã phát biểu với CNN, tổng thống Donald Trump sẵn sàng đơn phương xử lý vấn đề hỗ trợ người thất nghiệp bảo vệ người thuê nhà nếu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không đi đến thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề này.