Sau hành trình kéo dài bốn tháng, tàu Aditya-L1 của Ấn Độ đã đi vào quỹ đạo Mặt trời, nhiệm vụ tiếp theo là đo và quan sát các lớp ngoài cùng của Mặt trời.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ấn Độ Jitendra Singh cho biết trên mạng xã hội rằng tàu thăm dò đã đạt đến quỹ đạo cuối cùng “để khám phá những bí ẩn về mối liên hệ giữa Mặt trời và Trái đất”.

Hoa Kỳ và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã gửi nhiều tàu thăm dò tới trung tâm hệ Mặt trời, bắt đầu từ chương trình Pioneercủa NASA vào những năm 1960. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã phóng các tàu quan sát mặt trời của riêng họ vào quỹ đạo Trái đất.

Nhưng sứ mệnh mới nhất của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ là sứ mệnh đầu tiên của châu Á đưa được tàu vào quỹ đạo quanh Mặt trời.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi đây là một bước ngoặt khác trong chương trình không gian của nước mình.

Aditya, được đặt theo tên của vị thần Mặt trời trong đạo Hindu, đã đi được 932.000 dặm (1,5 triệu km) từ Trái đất – vẫn chỉ bằng 1% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Hiện giờ, nó đang ở vị trí không phải chịu lực hấp dẫn của cả hai thiên thể, cho phép nó duy trì trong quỹ đạo ổn định quanh Mặt trời.

Tàu Aditya-L1, được cho là có giá 48 triệu USD, sẽ nghiên cứu sự phun trào vành Nhật hoa hay còn gọi là bão mặt trời, một hiện tượng định kỳ trong đó lượng plasma và năng lượng từ tính khổng lồ được giải phóng khỏi bầu khí quyển của Mặt trời. Những vụ nổ này mạnh đến mức chúng có thể chạm tới Trái đất và làm gián đoạn hoạt động của các vệ tinh.

Aditya-L1 còn có sứ mệnh làm sáng tỏ động lực học của một số hiện tượng khác bằng cách chụp ảnh và đo các hạt trong bầu khí quyển phía trên của Mặt trời.

Ngân sách của Ấn Độ cho các chương trình không gian tương đối thấp, nhưng chương trình này đã phát triển về quy mô và động lực khi lần đầu tiên gửi tàu thăm dò lên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2008. Tháng Tám năm ngoái, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh một tàu không người lái lên một vùng chưa được khám phá ở cực nam Mặt trăng và là quốc gia thứ tư đáp tàu xuống Mặt trăng.

Ấn Độ cũng là quốc gia châu Á đầu tiên đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh Sao Hỏa vào năm 2014 và dự kiến sẽ triển khai một sứ mệnh có phi hành đoàn kéo dài ba ngày trên quỹ đạo Trái đất vào cuối năm nay.

Quốc gia này còn đang lên kế hoạch thực hiện một sứ mệnh chung với Nhật Bản để gửi một tàu thăm dò khác lên Mặt trăng vào năm 2025 và một sứ mệnh bay vào quỹ đạo Sao Kim trong hai năm tới.

Nguồn: