Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện một ngoại hành tinh có bầu khí quyển giàu Natri và hoàn toàn không có mây.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà thiên văn học Nikolay Nikolov tại Đại học Exeter (Anh) phát hiện hành tinh khí khổng lồ WASP-96b không có mây, nằm cách Trái Đất khoảng 980 năm ánh sáng.

WASP-18b là ngoại hành tinh không có mây. Ảnh: NASA.
WASP-18b là ngoại hành tinh không có mây. Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận sau khi nghiên cứu dữ liệu thu thập từ Kính Thiên văn Rất Lớn (VLT) của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) ở Chile. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 7/5.

Nhóm nghiên cứu đo quang phổ khí quyển của WASP-96b khi hành tinh này đi qua phía trước ngôi sao chủ thuộc chòm sao Phượng Hoàng, làm giảm cường độ ánh sáng phát ra từ ngôi sao.

Thông thường, nguyên tố Natri (Na) trong bầu khí quyển của một hành tinh bị che khuất bởi mây nên rất khó phát hiện. Nhưng đối với ngoại hành tinh WASP-96b, nguyên tố Na dễ dàng được quan sát dưới dạng hình ảnh quang phổ. Điều này đồng nghĩa với việc bầu khí quyển của hành tinh WASP-96b không có mây.

Nikolov cho biết, đây là bằng chứng đầu tiên về một hành tinh hoàn toàn không có mây, và lần đầu tiên một hành tinh có quang phổ Na rõ ràng được tìm thấy trong vũ trụ.

Quang phổ Na của WASP-96b trông giống hình ảnh lều cắm trại do không bị cản trở bởi mây. Ảnh: N. Nikolov.
Quang phổ Na của WASP-96b trông giống hình ảnh lều cắm trại do không bị cản trở bởi mây. Ảnh: N. Nikolov.

"Quang phổ Na của hành tinh WASP-96b xuất hiện với hình dạng lều cắm trại. Hình dạng khác thường này chưa bao giờ được nhìn thấy trước đây do nó chỉ có thể được tạo ra sâu trong bầu khí quyển. Đối với hầu hết các hành tinh, những đám mây cản đường làm cho hình dạng quang phổ Na rất khó để thấy rõ", Nikolov nói.

Ngoài việc có một bầu khí quyển giàu Na và không có mây, ngoại hành tinh WASP-96b còn có nhiệt độ cực kỳ nóng (khoảng 1000 độ C) và có kích thước khổng lồ (lớn hơn 20% so với sao Mộc). Khối lượng của hành tinh bằng sao Thổ, vì vậy các nhà nghiên cứu phân loại thế giới ngoại hành tinh này là một "sao Thổ nóng".

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu phát hiện hàm lượng Na trong bầu khí quyển của WASP-96b cũng tương tự một số hành tinh thuộc hệ Mặt Trời.

Natri là nguyên tố phổ biến thứ 7 trong vũ trụ. Suốt một thời gian dài, các nhà khoa học nghĩ rằng các hành tinh khí khổng lồ có bầu khí quyển giàu Na. Nhưng cho đến nay, chưa có bằng chứng rõ ràng nào để chứng minh giả thuyết này. Vì vậy, kết quả nghiên cứu về hành tinh WASP-96b củng cố sự hiểu biết của các nhà khoa học về những hành tinh khí khổng lồ.

"Bởi vì bầu trời WASP-96b không có mây nên ngoại hành tinh này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cơ hội để xác định sự phong phú của các phân tử khác chẳng hạn như nước, carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2), với các quan sát trong tương lai", Ernst de Mooij, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Thành phố Dublin (Ireland), cho biết.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm hiểu kỹ hơn về khí quyển của ngoại hành tinh WASP-96b bằng cách sử dụng Kính viễn vọng Hubble và Kính viễn vọng Không gian James Webb sắp ra mắt của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).