Một số hãng sản xuất trà gần đây đã thay thế túi trà giấy của họ bằng những túi trà làm bằng nhựa hoặc “lụa”. Chúng không chỉ là nỗi ám ảnh đối với môi trường mà còn có thể giải phóng hàng tỷ hạt vi nhựa vào tách trà.

Ảnh: Forbes.
Ảnh: Forbes.

Các nhà khoa học tại Đại học McGill ở Montreal (Canada) ngâm bốn loại túi trà nhựa đang được bán rộng rãi trên thị trường vào nước nóng có nhiệt độ khoảng 95°C. Sau đó họ sử dụng kính hiển vi điện tử và máy quang phổ để phân tích thành phần của nước trà. Họ phát hiện mỗi túi trà giải phóng trung bình 11,6 tỷ hạt vi nhựa có kích cỡ micro mét và 3,1 tỷ hạt nhựa có kích thước cỡ nano mét vào trong nước. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology.

Các túi trà thường được dán nhãn là “lụa”, mặc dù chúng thực sự làm từ nylon và polyetylen terephthalate (PET) – một dạng nhựa dùng để sản xuất chai đựng nước. Ngay cả khi những túi trà này không được kê khai làm từ nhựa, các nhà sản xuất vẫn sử dụng một lượng nhựa nhỏ để gia cố cho túi trà giấy của họ.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, các túi trà giải phóng rất nhiều hạt vi nhựa bởi vì hợp chất PET đã được làm nóng đến gần điểm sôi. Trước đây từng có nhiều nghiên cứu cho thấy hạt vi nhựa xuất hiện trong các loại đồ uống và thực phẩm, nhưng đây là thí nghiệm mới nhất cho thấy các loại đồ uống dùng túi lọc thải ra hàng tỷ hạt vi nhựa mỗi lần sử dụng.

Trong phần thứ hai của nghiên cứu này, các nhà khoa học cho những con rận nước (Daphnia magna) tiếp xúc với nước chứa nồng độ hạt vi nhựa khác nhau. Mặc dù chúng không chết, nhưng chúng thể hiện một số đặc điểm bất thường về cấu trúc giải phẫu cũng như hành vi. Điều này cho thấy hạt vi nhựa đã có tác động xấu đến chúng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ảnh hưởng của các hạt vi nhựa đến sức khỏe con người chưa được chứng minh. Do đó, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ mối quan hệ này.

“Cho đến nay, những ảnh hưởng của việc tiêu thụ vi nhựa đối với sức khỏe con người vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, các tác động tiêu cực quan sát được trong những nghiên cứu gần đây đối với nhiều sinh vật khác như tảo, động vật phù du, cá, chuột,… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sớm về rủi ro môi trường và nguy cơ đối với sức khỏe con người mà hạt vi nhựa có thể gây ra”, nhóm nghiên cứu kết luận. “Một trong những con đường tiếp xúc chính của con người với hạt vi nhựa là thông qua việc ăn uống, và sự hấp thu các hạt này có thể xảy ra ở đường tiêu hóa.”

Điều đáng lưu ý là các hạt vi nhựa có mặt khắp mọi nơi, từ nước mưa ở Mỹ cho đến tuyết Bắc Cực, và rất có thể là trong hệ thống tiêu hóa của bạn ngay bây giờ, kể cả khi bạn không uống trà. Một nghiên cứu từ đầu năm nay cho thấy một người Mỹ tiêu thụ trung bình hơn 74.000 hạt vi nhựa mỗi năm, trong khi một nghiên cứu khác tiết lộ hầu hết chúng ta đều có một lượng vi hạt này trong phân.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên sử dụng túi lọc trà bằng giấy hoặc trà dạng bột để phòng tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, cũng như giảm thiểu các hạt vi nhựa “thải” ra môi trường.