Câu hỏi, uống bao nhiêu nước/ngày là đủ trong tiết trời nắng nóng tưởng chừng dễ trả lời nhưng thực chất lại không hề đơn giản. Bởi, 70% trọng lượng cơ thể là nước nếu uống quá nhiều hoặc quá ít nước đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Đó là chưa kể đến cách uống, thời điểm uống cũng như có một vài đối tượng đặc biệt cần có một chế độ bổ sung nước riêng biệt ví dụ như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

Trong ngày nắng nóng, uống bao nhiêu nước là đủ?

Trong ngày nắng nóng, nên thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể

Cần uống bao nhiêu nước/ngày?

Nước đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong cơ thể, có chức năng hòa tan và vận chuyển các hợp chất như protein, carbonhydrate, vitamin, khoáng chất... ;giúp tiêu hóa, hấp thu và bài tiết.

Trong mùa hè nóng nực, cơ thể liên tục tiết mồ hôi, khiến bạn có cảm giác khô khát nếu không bổ sung nước kịp thời sẽ dẫn đến cảm giác uể oải, mệt mỏi.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trung bình mỗi người trưởng thành cần uống khoảng 2,5 lít chất lỏng mỗi ngày. Trong đó, phụ nữ cần cần từ 2,2 đến 2,8 lít nước/ngày, đàn ông là 2,5 đến 3,7 lít nước/ngày.

Trong khi đó, trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng cần 0,7 lít nước/ngày và tăng lên theo độ tuổi: 0,8 lít nước/ngày cho trẻ từ 8-12 tháng tuổi; 1,3 lít nước/ngày cho trẻ từ 1-3 tuổi và 1,7 lít với trẻ từ 4-8 tuổi.

Người già cần bổ sung ít nhất 2 lít nước/ngày. Đối với phụ nữ có thai cần 2,4 lít nước/ngày, cho con bú cần 3 lít nước/ngày.

Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, hoặc với những người có trọng lượng cơ thể lớn, cường độ vận động cao thì nhu cầu về nước có thể tăng lên, căn cứ vào từng cá nhân cụ thể.

Vậy cơ thể lấy nước từ đâu? Cơ thể sẽ lấy 1,5 lít chất lỏng từ nước hay các đồ uống khác, khoảng 0,7 lít từ các loại rau quả và 0,2 lít từ quá trình oxy hóa tế bào của thực phẩm.

Cách uống nước tốt nhất cho sức khỏe

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mùa hè bạn nên uống nước khi chưa có cảm giác khát. Bởi, trong mùa hè cơ thể toát mồ hôi liên tục điều đó đồng nghĩa với việc cơ thể thường xuyên mất nước, vì vậy cần phải bổ sung ngay một lượng nước tương tương lượng nước mất đi.

Với những trường hợp để mất nước nặng có thể gây các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, yếu sức, nhức đầu, khô miệng, sốt nóng, tim đập nhanh, ăn mất ngon, mờ mắt, nghe kém, hạ huyết áp...

Tuy nhiên, ngay cả khi quá khát bạn cũng không nên uống liền một lúc quá nhiều nước, đặc biệt là nước lạnh. Điều này sẽ khiến tim đập nhanh hơn và gây loạn nhịp, ra mồ hôi lạnh, gây viêm họng, có hại cho dạ dày.

Khi khát không nên uống các loại nước ngọt có ga bởi chúng không những không giúp bạn hết khát ngược lại còn tăng cảm giác khát do chứa nhiều đường và làm mất nước do lợi tiểu.

Nên uống từ từ, chia thành nhiều lần, uống trước hoặc sau khi ăn 30 phút, tránh vừa ăn vừa uống nước vì sẽ làm bạn nuốt thức ăn chưa được nhai kỹ.

Để cơ thể quá khát sẽ gây ra những hậu quả khôn lường nhưng lạm dụng nước cũng không phải là cách hay. Bởi, uống quá nhiều nước trong ngày có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng điện giải.

Triệu chứng khi bị nhiễm độc nước bao gồm đau đầu, buồn nôn, co giật cơ, có thể gây tử vong. Vì vậy, dù nắng nóng cỡ nào bạn cũng không nên quá lạm dụng nước, đặc biệt là với những người đang giảm cân.