“Kết quả quan trắc không khí được công bố chỉ là số liệu thô, hoàn toàn không có nội dung phân tích, đánh giá tổng kết và bình luận từ cơ quan quản lý và nhà chuyên môn. Theo tôi, công bố như vậy là vô nghĩa" - GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết.

Muốn biết chính xác thực trạng ô nhiễm không khí, người dân chờ đợi thông tin từ cơ quan chuyên môn như một bức tranh tổng thể, chính xác từ việc tổng hợp, phân tích các số liệu đo đạc, quan trắc.
Trạm quan trắc môi trường tại số 8 Pháo Đài Láng, Hà Nội. Ảnh: Loan Lê
Trạm quan trắc môi trường tại số 8 Pháo Đài Láng, Hà Nội. Ảnh: Loan Lê

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - khẳng định, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm công bố số liệu quan trắc không khí. Hiện những thông tin này được công bố trên tạp chí Môi trường. Tuy nhiên, người dân sẽ không biết được gì nhiều nếu có điều kiện tìm đọc.

“Kết quả quan trắc không khí được công bố chỉ là số liệu thô, hoàn toàn không có nội dung phân tích, đánh giá tổng kết và bình luận từ cơ quan quản lý và nhà chuyên môn. Theo tôi, công bố như vậy là vô nghĩa. Bởi lẽ, chỉ người có chuyên môn mới đọc và hiểu được những thông số đó. Cái chúng ta đang cần là cung cấp thông tin cho người dân nắm được hiện trạng môi trường” - GS Phạm Ngọc Đăng nói.

Về việc công bố kết quả quan trắc trực tuyến, Trung tâm Quan trắc môi trường có cập nhật trên bản tin tự động tại websie http://quantracmoitruong.gov.vn với 4 thông số là chỉ số bụi (PM10), CO, NOx, O3 được cập nhật với suất 1 giờ/lần, không kèm theo phân tích, đánh giá. Tuy nhiên, bản tin tự động này chỉ có kết quả quan trắc không khí của 3 trạm tại 3 thành phố: Hà Nội (556 Nguyễn Văn Cừ), Huế và Khánh Hòa.

Cảnh ngồi trong ôtô vẫn phải đeo khẩu trang che bụi trên đường Lê Duẩn, Hà Nội. Ảnh: P.Hẳng
Cảnh ngồi trong ôtô vẫn phải đeo khẩu trang che bụi trên đường Lê Duẩn, Hà Nội. Ảnh: P.Hẳng

Chỉ số chất lượng không khí AQI cũng được trang web cập nhật, người xem có thể click vào nút “AQI ngày” để xem dữ liệu 30 ngày gần nhất. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thông tin của 3 trạm quan trắc kể trên. Bảng AQI từ ngày 2/5-31/5 của trạm 556 Nguyễn Văn Cừ có đến 6 ngày không có số liệu, của trạm 83 Hùng Vương - Huế cả 30 ngày không có số liệu.

Theo TS Đặng Dương Bình, ở nhiều nước chỉ số quan trắc không khí sẽ được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giống như bản tin thời tiết. Ngoài ra, trên đường phố cũng có các bảng điện tử cảnh báo chất lượng không khí cập nhật theo giờ.

>> Giám sát ô nhiễm không khí: Trạm quan trắc nào ở Hà Nội đo được thủy ngân?

Ở Pháp, chính phủ dự báo ô nhiễm song song với bản tin dự báo thời tiết. Khi có cảnh báo vùng ô nhiễm, các barie sẽ được dựng lên, phương tiện cá nhân không được phép vào khu vực, người dân được cấp vé để chuyển đổi sang phương tiện công cộng. Các barie chỉ hạ xuống khi thông số cảnh báo ô nhiễm trở về mức bình thường.

“Chúng ta đang có đầy đủ các hình mẫu ở ngay các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan… Chỉ xét riêng vùng lãnh thổ, ở Hồng Kông định kỳ hằng năm đều công bố chất lượng môi trường không khí, những thông số về chất lượng môi trường được tổng hợp, phân tích, đánh giá và thông báo công khai cho người dân” - TS Bình nói.