Hút thuốc lá không chỉ khiến nhiều người chết mà còn làm thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI).
Trung Quốc đang là thị trường thuốc lá lớn nhất thế giới. (Ảnh minh họa).
Bản báo cáo toàn cầu này nêu rõ: ngành công nghiệp thuốc lá, cùng với ảnh hưởng chết người của nó, làm tổn thất hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm bởi chi phí chăm sóc sức khỏe và sự sụt giảm về năng suất lao động.
Những thống kê cũng chỉ ra rằng, hàng năm có khoảng 6 triệu người chết do sử dụng thuốc lá, hầu hết trong số đó sống tại các quốc gia đang phát triển.
"Như báo cáo mới đây cho thấy, tác động của thuốc lá lên kinh tế các nước, và người dân nói chung, là rất lớn" - ông Oleg Chestnov, một quan chức cấp cao của WHO, phát biểu.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng: việc kiểm soát thuốc lá sẽ chỉ tác động một cách khiêm tốn tới các ngành công nghiệp - dịch vụ có liên quan, và sẽ không dẫn tới tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng.
Để góp phần giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với người dân thế giới, WHO đã đưa ra một danh sách các biện pháp được khuyến cáo. Trong đó, có bao gồm tăng thuế và tăng giá các sản phẩm thuốc lá, cũng như hạn chế tiếp thị mặt hàng này.
Theo WHO, trên toàn thế giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá ở độ tuổi trên 15, với khoảng 80% sống tại các nước có mức thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình.
Hiện, Trung Quốc là thị trường thuốc lá lớn nhất thế giới, với lượng bán ra lên tới hơn 2.500 tỷ điếu thuốc mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng toàn cầu.
Theo Thời Đại