Một nghiên cứu gần đây cho thấy các tác nhân phổ biến nhất của rối loạn nhịp tim là tiêu thụ rượu, cà phê.
Các tác nhân phổ biến nhất của rung tâm nhĩ - nhịp tim không đều (nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ) là những hành vi có thể tránh được như uống rượu hoặc cà phê.
Rung tâm nhĩ (Afib) là một tình trạng tim gây ra nhịp tim không đều và thường là nhịp tim nhanh bất thường. Nhịp tim bình thường nên đều đặn từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút khi nghỉ ngơi. Khi bị rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều và đôi khi có thể lên hơn 100 nhịp mỗi phút, gây ra chóng mặt, khó thở và mệt mỏi. Đôi khi Afib không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và một người mắc rhoàn toàn không biết rằng nhịp tim của họ không đều. Afib là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến người lớn ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Afib ảnh hưởng đến khoảng 7 trên 100 người ở độ tuổi trên 65. Đàn ông bị rung tâm nhĩ nhiều hơn phụ nữ.
Nếu không được điều trị, rung tâm nhĩ có thể làm tăng đáng kể nguy cơ cục máu đông hình thành bên trong các buồng tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ. NHS cho biết nó ảnh hưởng đến 10% số người trên 75 tuổi và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Ảnh: Theguardian.
Một số bệnh nhân thậm chí bị AFib trong cả 24 giờ trên một ngày. Một số bệnh nhân khác có thể mắc AFib theo cơn, chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Đối với nghiên cứu hiện tại, được báo cáo trên tạp chí Heart Rhythm, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 1.295 bệnh nhân có các triệu chứng AFib theo cơn và phát hiện ra rằng tiêu thụ rượu, tiêu thụ caffeine và tập thể dục là các hành vi phổ biến nhất gây ra các cơn loạn nhịp tim.
Cuộc khảo sát đã hỏi về 11 hành vi có thể gây ra loạn nhịp tim: tiêu thụ rượu, tiêu thụ caffeine, thiếu ngủ, tập thể dục, không tập thể dục, tiêu thụ đồ uống lạnh, tiêu thụ thực phẩm lạnh, chế độ ăn nhiều natri, ăn nhiều bữa, mất nước và nằm nghiêng bên trái.
Khoảng ba phần tư số bệnh nhân cho biết ít nhất một trong những hành vi đó thỉnh thoảng hoặc thậm chí luôn luôn kích hoạt rối loạn nhịp tim.
35% bệnh nhân cho biết bị rối loạn nhịp tim khi tiêu thụ rượu. Con số này là 28% với uống cà phê, 23% với tập thể dục và 21% với thiếu ngủ.
Các nhà nghiên cứu nói rằng có thể các hành vi này không thực sự kích hoạt các cơn rối loạn nhịp tim, nhưng làm cho các triệu chứng rối loạn nhịp tim trở nên tồi tệ hơn.
Nghiên cứu này không được thiết kế để cho biết liệu việc cắt giảm các hành vi này có làm giảm tần suất các cơn AFib hay không.
Tuy nhiên, đồng tác giả, Tiến sĩ Gregory Marcus từ Đại học California, San Francisco nói với Reuters Health: "Phần lớn, nếu không phải là hầu hết các yếu tố kích hoạt rối loạn nhịp tim này đều có thể điều chỉnh được và về mặt lý thuyết, bệnh nhân có khả năng tác động đến xác suất các cơn rối loạn nhịp tim xảy ra."
Deepak Bhat, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Brigham and Women, Boston, người không tham gia nghiên cứu, đồng ý với nhận định đó. Ông nói với Reuters Health qua điện thoại: "Quan trọng là thông tin trong bài báo này là có thể ứng dụng được. Ví dụ, những người với các cơn rung tâm nhĩ bị kích hoạt bởi tiêu thụ rượu hoặc caffeine, có thể tránh các hành vi này".
Mối liên hệ giữa rượu và AFib đã được biết đến, nhưng mối liên hệ giữa cà phê và AFib thì vẫn đang gây tranh cãi, Bhat nói. "Một số chuyên gia cho rằng không có mối liên hệ giữa cà phê và AFib, tuy nhiên tôi đã thấy mối liên hệ này ở nhiều bệnh nhân", ông nói thêm.
Bhat lưu ý rằng trong khi tập thể dục là một thói quen lành mạnh, tập thể dục gắng sức sau một thời gian dài không tập thể dục là một nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim.
Marcus cho biết ý tưởng cho nghiên cứu này xuất phát từ một hội nghị thượng đỉnh tập hợp các bệnh nhân và nhà nghiên cứu để xác định các chủ đề mà bệnh nhân nghĩ rằng không được cộng đồng khoa học quan tâm đúng mức. Các bệnh nhân bị rung tâm nhĩ nhất trí rằng họ muốn biết thêm về các yếu tố có thể kích hoạt các cơn rung tâm nhĩ.
"Vẫn chưa có đủ điều tra để hiểu lý do tại sao cơn rối loạn nhịp tim xảy ra", Marcus nói.
Với rối loạn AFib, hai buồng nhỏ phía trên của tim đập không đều và đập quá nhanh, "rung rinh như một bát gelatin", theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Kết quả là, tim không thể bơm máu đúng cách và cơ thể không nhận được máu mang đủ oxy. AFib có thể dẫn đến các vấn đề y tế nghiêm trọng bao gồm đột quỵ và suy tim. Phương pháp điều trị bao gồm thuốc để điều chỉnh nhịp tim hoặc nhịp điệu tim, làm loãng máu để ngăn ngừa hình thành máu đông, và trong một số trường hợp, sốc điện để thiết lập lại nhịp đập của tim.