Hôm 22/10, một nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho biết, sau khi tiến hành phân tích sản phẩm của 12 nhãn hiệu thức uống bổ sung để tìm kiếm 4 loại chất kích thích – gây nguy hiểm tiềm ẩn và nằm trong danh sách chất cấm của FDA, các nhà khoa học phát hiện thấy, “những nỗ lực của FDA nhằm loại bỏ các chất này dường như đã không có hiệu quả” – theo nhận định của Tiến sĩ Pieter Cohen, bác sĩ nội khoa tại Cambridge Health Alliance ở Somerville (bang Massachusetts), tác giả chính của nghiên cứu.
Về mặt hóa học, các chất bị cấm này có thành phần tương tự như amphetamines, bao gồm DMAA (bị FDA cảnh báo về nguy cơ gây bệnh tim mạch từ năm 2013); DMBA (có cấu trúc khá giống với DMAA); BMPEA (gần với amphetamine); và oxilofrine (bị cấm trong các môn thể thao chuyên nghiệp của Cơ quan chống Doping Thế giới).
Thức uống bổ sung. Ảnh: Sutterstock
Một kết quả xét nghiệm trước đó (năm 2014) cho thấy, tất cả sản phẩm của 12 nhãn hiệu đều dương tính với ít nhất một trong bốn loại chất kích thích. Sau khi có lệnh cấm của FDA (DMAA vào năm 2013; DMBA và BMPEA năm 2015; còn oxilofrine năm 2016) và thực hiện phân tích lại thành phần, nhóm nghiên cứu phát hiện, mặc dù số nhãn hiệu chứa chất kích thích đã giảm, nhưng 9 trên 12 nhãn (75%) vẫn chứa ít nhất một chất, và 6 (50%) chứa ít nhất hai chất. Oxilofrine chính là chất kích thích phổ biến nhất, khi xuất hiện trong thức uống bổ sung của 9 hãng; DMBA có trong 4, còn DMAA là 2 hãng – 4 năm sau khi FDA đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm và cấm sử dụng nó.
Ngoài ra, BMPEA cũng được tìm thấy trong sản phẩm của một hãng. Điều đáng ngạc nhiên là trong năm 2014, không một thức uống bổ sung nào đã cho kết quả dương tính với DMBA, và chất này chỉ xuất hiện sau khi FDA công khai tuyên bố cấm nó – một phát hiện “hoàn toàn không hề được mong đợi”, theo Cohen.
Các chất kích thích thường gây lo ngại vì khả năng ảnh hưởng đến hệ tim mạch, như làm tăng huyết áp hay nhịp tim. Lấy ví dụ, FDA khuyến cáo, DMAA có thể dẫn đến tình trạng khó thở, co thắt ngực hay đau tim … đối với một số người. Vì thế, nghiên cứu trên đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc sử dụng thêm thức uống bổ sung bên cạnh chế độ dinh dưỡng không hẳn là đã “an toàn”. Mặc dù việc loại bỏ các chất kích thích trong đồ uống bổ sung còn phải cần đến sự điều chỉnh trong các quy định về mặt quản lý, nhưng trước khi điều đó xảy ra, FDA cũng đã có thể sử dụng những công cụ thực thi pháp luật của mình, như kiểm tra cơ sở, gửi đơn cảnh cáo và thu hồi sản phẩm – Cohen gợi ý.
Tuy nhiên, với một thị trường quá lớn và khó phân loại, bao gồm khoảng 90.000 loại sản phẩm thức uống bổ sung của các hãng, thật khó để nghĩ ra FDA có thể làm gì nếu không được trao thêm nguồn lực – theo biên tập viện Michael Incze và Mitchell Katz tại JAMA Internal Medicine trong bình luận đi kèm công bố. Vì thế, các tác giả khuyến nghị người tiêu dùng hãy cẩn thận mỗi khi mua sản phẩm, và tốt nhất là nên có sự tham khảo kỹ lưỡng từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.